Qua khảo sát thực tế, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về đợt hạn, mặn đang diễn ra tại ĐBSCL?
- Năm nay hạn, mặn ở ĐBSCL có 3 đặc điểm: Đến sớm, vào sâu, rút chậm. Bình thường hạn, mặn tại ĐBSCL diễn ra từ tháng 1, nhưng năm nay xuất hiện vào tháng 12/2019, thậm chí cuối tháng 11/2019 đã xuất hiện ở một số nơi.
Cùng với đó, tới thời điểm này có rất nhiều cao điểm hạn mặn đã hơn giai đoạn 2015-2016. Ví dụ trên các sông chính như Hàm Luông, mặn vào sâu tới 76-80km, cao hơn giai đoạn 2015-2016 khoảng 10km, thậm chí có những nghiên cứu đã chỉ ra đây là đỉnh của 100 năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (đứng giữa) khảo sát tại hồ chứa nước Kênh Lấp, tỉnh Bến Tre. Ảnh: CẨM TRÚC
Qua theo dõi và đánh giá, đến nay hạn mặn mới xảy ra 2/3 thời gian. Chúng ta còn tháng 3 và một phần tháng 4 tiếp tục bị hạn, mặn. Hiện nay, nhiều vùng ở ĐBSCL bị hạn, mặn xâm nhập liên tục. Lý do năm nay mực nước và lượng mưa từ thượng nguồn sông Mekong giảm thấp, có những thời điểm tới 40-50%, thậm chí có những nghiên cứu giảm tới 60%. Nước xả xuống ít nên không đẩy được mặn.
Chính vì thế, đây được đánh giá là đợt hạn, mặn rất khốc liệt. Vấn đề đặt ra đối với ĐBCSL là hạn mặn từ 2015-2016 đến nay là 5 năm, như vậy nếu xét chu kỳ gần nhất cứ 5 năm lại một lần khốc liệt. Vậy sắp tới bao nhiêu năm thì một lần khốc liệt và mức độ khốc liệt đến mức nào? Đó là vấn đề chúng tôi đang tập trung nghiên cứu để đánh giá. Đánh giá được thì mình mới chủ động được các giải pháp công trình, phi công trình.
Vừa qua, phía Trung Quốc tuyên bố xả nước hồ thủy điện trên sông Lan Thương để cứu sông Mekong, Việt Nam có hy vọng lấy được nguồn nước này?
- Trong rất nhiều nguyên nhân gây ra hạn mặn, có một nguyên nhân là do các đập thủy điện tích nước trên dòng chính sông Mekong. Theo quy hoạch, có hàng chục đập thủy điện và hiện tại đã hoàn thành 11 đập thủy điện với tổng lượng nước tích trữ lại là trên 40 tỷ m3.
Hiện nay, đập gần dòng sông Mekong nhất là Cảnh Hồng (Trung Quốc). Bình thường đập này phát điện ở mức 850 triệu m3/s, nhưng vừa rồi họ ngăn lại, phát điện ít đi, còn 450 triệu m3/s, để tích nước. Sau đó, họ tuyên bố tiếp tục xả nước tại đập Cảnh Hồng ở mức 850 triệu m3/s. Việc xả nước này có tác động, nhưng không lớn.
Theo tính toán, lượng nước có thể về tới ĐBSCL chỉ đạt 10-15% (vì các nước thượng nguồn giữ lại) và sau 20-25 ngày mới về tới ĐBSCL. Ảnh hưởng lớn của thủy điện đối với ĐBSCL là lượng phù sa mất đi khoảng 90-95%, như vậy mới gây ra tình trạng lún sụt và do không có đường cho cá đi nên nguồn thủy sản tự nhiên giảm mạnh.
Dù vậy, đập thủy điện chưa phải là vấn đề gay gắt, ảnh hưởng lớn nhất đến ĐBSCL.
Về nguyên tắc của thủy điện, tích nước trong mùa mưa, xả nước phát điện trong mùa khô, như vậy ở góc độ nào đó thì mùa khô sẽ có nhiều nước hơn bình thường. Nhưng, điều chúng tôi lo ngại nhất là chuyển nước lưu vực, ví dụ như Thái Lan đang nghiên cứu một dự án chuyển nước để tưới hơn 2 triệu ha, như vậy là mất hẳn nguồn nước.
Nhiều công trình cống ngăn mặn đã được xây dựng tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: H.X
Trong các giải pháp Bộ NNPTNT đưa ra, có giải pháp xây hồ trữ nước ngọt, nhưng thực tế là hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp trị giá tới 85 tỷ đồng vẫn bị nhiễm mặn. Vậy, ông đánh giá như thế nào về tác dụng của các công trình hồ chứa và về lâu dài chúng ta có cần xây dựng nhiều hồ chứa nước ngọt?
- Hồ Kênh Lấp tại Bến Tre có một đoạn sông được đắp hai đập tạo thành, với độ sâu 3m và dung tích đạt khoảng 1 triệu m3 nước. Đối với ĐBCSL hiện nay, 1 triệu m3 nước/năm là rất lớn, tuy nhiên sau khi khai thác được 500.000m3 nước thì bị mặn và phèn bốc lên từ đáy, do nắng nóng và mực nước thấp gây ra. Nguyên nhân trong quá trình làm hồ, do đưa vào sử dụng gấp nên chưa được thau rửa. Hiện tượng này sẽ không còn khi chúng ta thau, rửa vài lần.
Câu hỏi lớn đặt ra là cần làm gì để ĐBSCL có nước ngọt?
- Hiện nay, tổng lượng nước về ĐBSCL vào khoảng 445 tỷ m3, cả nước là 850 tỷ m3 trong khi nhu cầu sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… chỉ khoảng 100 tỷ m3, tức là chỉ chiếm 1/8 lượng nước. Khu vực ĐBSCL mỗi năm sử dụng khoảng 60-70 tỷ m3 nước.
Như vậy, có thể thấy ĐBSCL không thiếu nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải cân bằng, tích trữ nước, nhất là trong 3 tháng mùa khô. Việc chủ động tích trữ nước của người dân rất quan trọng, hộ có 4 nhân khẩu thì chỉ cần làm bể rộng 4m3 là có thể đủ sử dụng trong 3 tháng. Vì thế, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các tỉnh tích nước không tập trung tới từng hộ dân.
Về lâu dài, chúng ta vẫn phải tận dụng các kênh, rạch cụt để tích trữ nước hoặc đắp đập tạm hay làm cống ở những hồ lớn. Giải pháp này không quá tốn kém nhưng lại giải quyết rất hiệu quả nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đối với vùng bán đảo Cà Mau, do không có nguồn nước thì buộc chúng ta phải chuyển nước ngọt tới, qua đó giảm sụt lún cho vùng này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Điều tiết mặn - ngọt phù hợp Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đối với ĐBSCL, cân bằng nước lớn hơn là tái cơ cấu nông nghiệp. Quan điểm của Bộ NNPTNT là chuyển trục từ sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản sang thủy sản, trái cây, lúa gạo. Muốn nuôi thủy sản thì phải có nước ngọt. Hiện nay, hơn 500.000 giếng khoan lấy nước ngọt ở khu vực này đã gây ra tình trạng lún, sụt nghiêm trọng. Trước đây, chúng ta chú trọng làm thủy lợi cho cây lúa. Từ 2 triệu tấn năm 1975, nay chúng ta nâng lên hơn 30 triệu tấn lúa và tư duy thủy lợi lúc đó là ngăn mặn, giữ ngọt nhưng quan điểm đó nay không còn phù hợp. Đối với ĐBSCL, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải điều tiết mặn - ngọt phù hợp. “Vừa rồi, việc đưa cống Ninh Quế vào hoạt động đã xử lý được vấn đề cấp nước ngọt - mặn cho hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng rất tốt. Hai tỉnh đều rất vui, không phải ngồi họp bàn để lấy nước như trước” - ông Hiệp cho hay. |