Nhiều năm qua, các kho giữ tang vật vi phạm giao thông ở TP HCM luôn trong tình trạng quá tải. Hàng chục ngàn phương tiện như xe máy, ô tô, xe ba gác chịu cảnh phơi nắng mưa.
Những "quả bom nổ chậm"
Nằm ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, kho giữ xe tang vật của Phòng CSGT TP HCM rộng hơn 20.000 m2 gồm 9 khối nhà 2 tầng đúng quy chuẩn với mái che, hệ thống PCCC.
Tuy vậy, do nơi đây đang giữ hơn 17.000 phương tiện, hết chỗ chứa nên nhiều ô tô, xe máy phải nằm ngoài trời, xếp nhiều hàng chật chội, thậm chí chồng chất lên nhau giữa đám cỏ khô, dây leo um tùm. Mất an toàn, xe hư hỏng là điều không tránh khỏi.
Sau những đợt lực lượng chức năng tăng cường xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn, các kho tang vật càng quá tải. Do vậy, thay vì giam xe , chỉ cần giữ biển số, giấy tờ và có hình phạt nghiêm khắc nếu tự ý chạy ra đường… là giải pháp mà nhiều người đề xuất.
Cách đó chừng 10 km, hàng ngàn phương tiện cũng nằm chất đống trong bãi xe tang vật của Công an quận Bình Tân (ngay giao lộ Hồ Văn Long - Võ Trần Chí, phường Tân Tạo) với diện tích khoảng 3.500 m2. Phía ngoài bãi xe được bao bọc bởi hàng rào tôn cao chừng 2 m, bên trên rào thép gai. Bên trong, hàng ngàn xe máy xếp san sát hoặc chồng lên nhau, phần lớn đều cũ kỹ, biến dạng và bám bụi theo thời gian. Nhiều xe giá trị cao như Exciter, Vision, Air Blade bị tạm giữ nhiều năm nhưng chủ phương tiện không tới nhận nên bạc màu, gỉ sắt...
Cảnh chật chội, nhức mắt cũng xảy ra ở kho tang vật của Công an quận 7 (đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận). Kho này nằm dưới chân cầu Phú Mỹ, cạnh khu dân cư, diện tích khoảng 1.000 m2 với hàng ngàn xe dãi dầu mưa nắng. Ở đây chỉ có một lối nhỏ rộng chừng 1 m được chừa ra để phục vụ việc đi lại, di chuyển phương tiện. Kho tang vật này không có người trông coi, dọn dẹp thường xuyên nên cây cỏ mọc tràn lan. Cũng như 2 bãi xe nêu trên, nhiều phương tiện đã ngả màu, hư hỏng bởi tai nạn, chịu thời tiết tác động do "đắp chiếu" trong khoảng thời gian dài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những phương tiện khi đưa vào kho tang vật đều được rút hết xăng và dầu nhớt. Tuy nhiên, nguy cơ hỏa hoạn luôn hiện diện.
Nhiều hướng tháo gỡ
Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn) cho rằng sự cố cháy tại bãi xe tang vật ở tỉnh Bình Thuận gần đây là đáng tiếc. Tuy nhiên, sự cố này không quá khó hiểu khi vấn đề an toàn cháy nổ, quá tải phương tiện tại các kho xe tang vật luôn là bài toán khó giải. Trách nhiệm giải bài toán này thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để giải quyết triệt để tình trạng quá tải tại các điểm tạm giữ xe vi phạm, theo luật sư Trương Văn Tuấn, ngành chức năng nên cân nhắc nhiều giải pháp. Cụ thể, chỉ tạm giữ phương tiện đối với các hành vi vi phạm giao thông có tính chất nghiêm trọng, khi có căn cứ xác định phương tiện không thuộc quyền sở hữu của người vi phạm hoặc người vi phạm có dấu hiệu chống đối, không chấp hành các biện pháp chế tài mà cơ quan chức năng ban hành. Đồng thời, tiến hành giao cho bên thứ ba trông coi các phương tiện vi phạm, các chi phí liên quan do người vi phạm chi trả.
Ngoài ra, rút ngắn các trình tự, thủ tục, thời gian trong khâu bán đấu giá phương tiện bị tịch thu là việc nên tính sớm. Điều này vừa giải quyết triệt để tình trạng chồng chất, quá tải xe cộ vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần) đánh giá với tiết trời nắng nóng như hiện nay, nguy cơ cháy nổ ở các kho xe tang vật là đáng báo động. Nghị định 138/2021 quy định kho bãi tạm giữ tang vật vi phạm hành chính phải bảo đảm an toàn, có hệ thống hàng rào bảo vệ, hệ thống PCCC; kho ngoài trời phải bố trí mái che phòng chống mưa, nắng… Dù vậy, thực tế cho thấy không ít kho tang vật ở TP HCM chưa đúng quy chuẩn.
Bất cập ấy cộng thêm cái khó nữa là nhiều trường hợp người dân lao động sử dụng xe tự chế, xe không có giấy tờ để chở hàng, nếu bị tạm giữ họ thường bỏ luôn. Ngoài ra, với xe giá trị thấp nhưng bị phạt ở mức cao, nhiều chủ phương tiện đã bỏ luôn, không đóng phạt. Lượng xe tăng mà kho bãi hạn chế dẫn đến việc quản lý không xuể, từ đó phát sinh nhiều nguy cơ khác.
Nêu hướng xử lý, luật sư Trần Thị Thanh Thảo cho rằng trong thời hạn 30 ngày ra thông báo, nếu chủ phương tiện không đến nhận xe và đóng phạt thì gia hạn 10 ngày. Sau thời gian ấy, nếu xe vẫn không được nhận, quyết định tịch thu cần được ban hành. Cơ quan, đơn vị nào đang tạm giữ xe chịu trách nhiệm toàn bộ về quy trình đấu giá, phát mãi phương tiện.
"Thêm nữa, nếu người dân muốn mua xe mới nhưng xe cũ đang bị tạm giữ thì phải xử lý xe tạm giữ trước khi cho đăng ký phương tiện mới. Điều này giống việc ô tô bị phạt nguội buộc phải đóng phạt rồi mới được đăng kiểm" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nêu ý kiến.
Dễ xảy ra hỏa hoạn
Chiều 9-3, hỏa hoạn xảy ra tại nhà lưu giữ xe tang vật vi phạm hành chính của Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Sự việc khiến hơn 230 xe máy, 1 tivi... tại khu vực nhà để xe tang vật trong trụ sở công an huyện bị thiêu rụi, hư hỏng.
Theo điều tra bước đầu, khi vừa đưa phương tiện vi phạm về đây, một cán bộ thực hiện việc hút xăng ra để bảo quản theo quy trình. Lúc này, một công an nghĩa vụ đi ăn cơm về đã ném điếu thuốc vừa hút xong, gió mang theo tàn thuốc bay ngược vào đúng vị trí đang hút xăng, dẫn đến cháy.
Tại TP HCM, đầu tháng 6-2022, bãi chứa xe tang vật và xe vi phạm giao thông bị lửa tấn công, hàng ngàn phương tiện bị thiêu rụi. Cơ quan chức năng đã phải rất vất vả để khắc phục những tổn hại về vật chất.
Cuối tháng 3-2021, lửa bùng lên tại bãi giữ xe vi phạm thuộc Đội CSGT TP Thủ Đức, TP HCM nằm trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ. Người dân cùng một số cán bộ túc trực tại bãi xe đã dùng nước và vật dụng chữa cháy nhưng không thành. Sau đó, lực lượng PCCC đến hiện trường khống chế hỏa hoạn nhưng hàng chục xe máy đã cháy rụi...