Vào đầu tháng 7 này, nguồn tin thuộc diện uy tín hàng đầu thế giới là Reuters xác nhận Indonesia sẽ áp "thuế bảo vệ" với mức 100% tới 200% lên hàng hóa Trung Quốc. Động thái này nhằm giảm tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương.
"Nếu (hàng nhập khẩu) tràn ngập trong nước, các doanh nghiệp nhỏ lẻ và vừa của Indonesia có thể sụp đổ", Bộ trưởng Thương mại nước này là Zulkifli Hasan cho biết.
Trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã theo dõi sát sao và dự định ban hành mức thuế mới từ cuối năm ngoái với hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ thực phẩm, đồ điện tử tới hóa chất. Tuy nhiên, biểu thuế này bị đảo ngược sau khi các doanh nghiệp trong nước khẳng định chúng "cản trở dòng nguyên vật liệu cần thiết phục vụ sản xuất trong nước".
Biểu thuế nhập khẩu từ 100% tới 200% mới của Indonesia dự định sẽ áp lên các mặt hàng như giày dép, quần áo, vải, gốm sứ hay mỹ phẩm. Danh mục cụ thể tạm thời chưa có, tuy nhiên theo tờ Wapcar của Malaysia, ô tô hoàn toàn có thể là một trong số này.
Hiện tại, Indonesia đang là một trong những thị trường Đông Nam Á được các hãng xe Trung Quốc nhòm ngó tới. Thị trường này có dân số lớn hàng đầu khu vực và còn tiềm năng khai thác lớn do người dân trước đây vẫn dùng xe máy nhiều. Trong năm 2024, nhiều thương hiệu Trung Quốc như BYD, Wuling, DFSK, Chery, Neta, Maxus, GWM (Haval, Ora và Tank) đều đã bắt đầu bán xe tại đây.
Trong nhóm những thương hiệu trên, có một nửa nhập khẩu xe nguyên chiếc và một nửa lắp ráp nội địa. Thông thường, mức thuế áp cho xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ là 50% với thuế bán hàng xa xỉ chiếm 15%. Một mức tăng lên 100% hay 200% nếu được áp dụng sẽ trực tiếp "giết" các thương hiệu Trung nhập khẩu xe vào Indonesia.
Trước Indonesia, châu Âu và Mỹ đã áp dụng các mức thuế cực cao với xe điện Trung Quốc để ngăn chúng tràn vào phá giá thị trường nhờ "ưu thế thiếu công bằng" tạo ra từ các nguồn đầu tư và chính sách trợ giúp của chính phủ Trung Quốc.