Các thương hiệu ô tô nước ngoài tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, khi lượng xe tồn kho tăng cao kỷ lục, sức mua sụt giảm và đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương hiệu nội địa VinFast - đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong ngành.
Hàng tồn chất đống
Theo Tổng cục Thống kê , năm 2024, lượng xe cung cấp ra thị trường Việt Nam đạt khoảng 600.000 chiếc (bao gồm xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu), trong khi tổng lượng tiêu thụ chỉ khoảng 500.000 xe. Như vậy, có ít nhất 100.000 xe dư thừa được chuyển sang năm sau. Riêng quý I/2025, có thêm hơn 106.000 xe mới tham gia thị trường, trong khi lượng tiêu thụ theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA ) chỉ đạt khoảng 58.000 xe. Điều này đồng nghĩa với tồn kho đã vượt 150.000 chiếc - một con số đáng báo động.
Nguyên nhân chính được VAMA chỉ ra là do sức mua yếu kéo dài từ cuối năm 2024, khi người dân siết chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Lãi suất vay mua xe đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây cản trở đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các yếu tố như mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, chi phí sử dụng xe gia tăng, cũng góp phần khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền. "Giữa năm 2024, lượng xe tại kho bắt đầu ùn ứ nghiêm trọng, trong khi các cam kết phân phối từ nhà máy buộc đại lý vẫn phải nhận thêm xe. Không bán được nhưng vẫn phải nhập, khiến các đại lý rơi vào thế kẹt" - ông Lê Minh Thành, phụ trách kinh doanh hệ thống ô tô tại TP HCM, cho biết.
Các thương hiệu xe nước ngoài đang gặp khó tại Việt Nam vì sức mua giảm và áp lực ngày càng lớn từ xe điện
Tuy nhiên, điều khiến các hãng xe truyền thống thực sự "choáng váng" là sự tăng trưởng thần tốc của xe điện , đặc biệt là VinFast. Năm 2023, VinFast bán hơn 30.000 xe. Sang năm 2024, doanh số tăng gấp 3 lần, đạt gần 90.000 xe. Riêng quý I/2025, VinFast dẫn đầu thị trường với hơn 35.000 xe bán ra, chưa kể hơn 45.000 đơn đặt hàng cho 4 mẫu xe Green mới. "Không ai ngờ xe điện lại tăng trưởng mạnh đến vậy. Xe VinFast giờ chạy đầy đường. Trong khi các hãng xe xăng vẫn nhập xe về theo kế hoạch cũ thì thị trường đã dịch chuyển quá nhanh về phía xe điện " - bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc chuỗi Ô tô Hiền tại TP HCM, nhận định.
Theo giới kinh doanh, áp lực từ VinFast hiện nay không chỉ đến từ mức giá cạnh tranh mà còn đến từ chiến lược tổng thể của hãng xe này. VinFast không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm, từ xe đô thị nhỏ gọn đến SUV cao cấp, đồng thời đầu tư mạnh vào hệ sinh thái sạc điện, hậu mãi và tài chính tiêu dùng - điều mà nhiều hãng nước ngoài chưa thực hiện được tại Việt Nam.
Thị phần của các hãng truyền thống ngày càng bị thu hẹp dần, trong khi khách hàng, đặc biệt là người trẻ, bắt đầu chuyển hướng sang các mẫu xe điện nhờ ưu thế về chi phí vận hành thấp, công nghệ hiện đại...
Tiến thoái lưỡng nan
Trong bối cảnh đó, nhiều đại lý buộc phải bán xe lỗ vốn để cắt giảm chi phí lãi vay - do hầu hết xe tại đại lý đều nằm dưới hình thức "ký gửi tài chính", tức vay ngân hàng để nhập xe và chịu lãi suất cho đến khi bán được. Việc tồn kho kéo dài khiến không ít đại lý rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính. Một số đơn vị nhỏ đã phải trả mặt bằng, cắt giảm nhân sự hoặc rút khỏi thị trường.
Để giải phóng hàng tồn, các hãng xe cũng tung ra chương trình giảm giá, khuyến mãi chưa từng có. Điển hình là Toyota đang hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ và tặng 1 năm bảo hiểm thân vỏ cho khách mua xe. Honda áp dụng ưu đãi lãi suất chỉ 3,9%/năm, kèm theo giảm lệ phí trước bạ và bảo hiểm. Mazda mạnh tay giảm giá cho cả dòng xe mới - Mazda 2 giảm còn 403 triệu đồng, Mazda CX-5 giảm 35 triệu đồng. Ford cũng không đứng ngoài cuộc, với chính sách hỗ trợ tài chính và lệ phí trước bạ hàng chục triệu đồng cho khách mua xe qua ngân hàng.
Theo bà Hiền, mức giảm cao nhất cho các mẫu xe tồn kho hiện có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng/xe. "Nhiều xe bán ra lỗ vốn, chấp nhận giảm giá sâu để đẩy hàng. Xe trên 1 tỉ đồng giờ cũng phải giảm vài trăm triệu đồng nếu muốn bán được" - bà nói thêm.
Cùng lúc, các hãng vẫn tiếp tục nhập xe mẫu mới 2025, nhằm giữ vị thế cạnh tranh và duy trì cam kết với hệ thống phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, việc cân đối giữa lượng xe tồn và kỳ vọng tiêu thụ mới trở thành bài toán nan giải. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào các chính sách ưu đãi từ nhà nước, như giảm lệ phí trước bạ hay ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Song theo giới chuyên gia, các chính sách này thường mang tính ngắn hạn, trong khi kế hoạch sản xuất - nhập khẩu lại được xây dựng theo chu kỳ trung và dài hạn (6 - 12 tháng), dẫn đến sự lệch pha giữa cung và cầu.
Ông Nguyễn Văn Tôn, Giám đốc điều hành mảng ô tô Công ty CP Vận tải Hàng không Miền Nam, nhìn nhận: "Áp lực từ VinFast là rất lớn. Các hãng vừa phải bán hàng tồn vừa phải giữ giá xe mới hợp lý để cạnh tranh với xe điện . Nhưng nếu giá xe mới cao quá, khách lại quay sang xe cũ đang được khuyến mãi sâu. Cứ thế, thị trường bị xé nhỏ ra từng mảnh, không hãng nào dễ dàng thắng".
Không dừng lại ở đó, hành vi tiêu dùng cũng đang thay đổi mạnh. Khách hàng ngày càng quan tâm đến chi phí vận hành, chi phí bảo trì và khả năng giữ giá xe. Trong khi xe xăng bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu và các loại thuế, phí; còn xe điện lại đang tận dụng được nhiều ưu đãi, đồng thời ít hao mòn động cơ, mang lại cảm giác "kinh tế hơn" trong dài hạn.
Thị trường cần một nhịp điều chỉnh
Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông VAMA , sức mua vẫn còn đó nhưng bị nén lại do nhiều khách hàng chờ đợi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, việc các chính sách này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (3 tháng cuối năm 2024) khiến nhiều người chưa kịp xoay xở để mua xe. Hiện các hãng đang kỳ vọng các chương trình ưu đãi kéo dài xuyên suốt năm 2025 sẽ phần nào cải thiện tình hình.
Tuy vậy, giới chuyên môn cho rằng để thị trường ô tô Việt Nam phục hồi thực chất, các hãng cần không chỉ giảm giá mà còn phải tái cấu trúc toàn bộ chiến lược tiếp cận thị trường - từ việc định vị sản phẩm, nâng cao trải nghiệm hậu mãi cho đến phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Trong đó, sự thích ứng với xu hướng điện hóa là yếu tố sống còn.