Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội khi xem xét cấp tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh trong 5 ngành kinh tế.
5 ngành nat bao gồm: sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy.
Đối với sản xuất nhiệt điện, dự thảo nêu rõ, sự gia tăng khí nhà kính từ quá trình sản xuất, đặc biệt là các nhà máy đốt than truyền thống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đánh giá tác động đối của những dự án này này cần bao gồm việc thảo luận về các nguồn nhiên liệu thay thế, và trong trường hợp có nhiều lựa chọn thay thế cho than, cần phải ưu tiên công nghệ giảm thiểu phát thải càng nhiều càng tốt.
Một số vấn đề quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm và có thể dẫn đến các rủi ro về uy tín hoặc tín dụng đối với các khoản vay hoặc đầu tư, bao gồm: biến đổi khí hậu - tác động dài hạn và loại bỏ phát thải khí nhà kính, ô nhiễm từ đốt than, khí thải..; không tuân thủ các giấy phép và quy định về môi trường; rủi ro về sức khoẻ do ô nhiễm phát sinh từ các hoạt động sản xuất điện (đốt than); và nguy cơ sức khoẻ tiềm ẩn do điện trường và từ trường trong hoạt động truyền tải và phân phối điện.
Đối với ngành sản xuất giấy và bột giấy, so với nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác, ngành này có mức độ ô nhiễm cao và dễ gây tác động đến con người và môi trường xung quanh do ô nhiễm từ nguồn nước thải xử lý không đạt yêu cầu.
Đánh giá tác động môi trường của những dự án này này cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động xử lý nước thải, đặc biệt việc xử lý phải đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường.
Một số vấn đề quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm và có thể dẫn đến các rủi ro về uy tín hoặc tín dụng đối với các khoản vay hoặc đầu tư, bao gồm không tuân thủ các giấy phép và quy định về môi trường; ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất bao gồm cả nguyên nhân từ các sự kiện ngẫu nhiên; rủi ro về sức khoẻ do ô nhiễm phát sinh từ các hoạt động sản xuất; quyền con người và an toàn lao động của người lao động/ cộng đồng bị ảnh hưởng - điều kiện làm việc và tiêu chuẩn lao động nghèo nàn.
Đây cũng là những rủi ro cần được cân nhắc đối với các khoản vay đối với ngành nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/ bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.