Đoạn đầu đường Trường Chinh-Ngã Tư Vọng thuộc dự án xây dựng đường vành đai 2. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Trước tình trạng vốn đầu tư công giải ngân chậm, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn những dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt nhằm khơi thông nguồn vốn.
Đây cũng là một trong những giải pháp của Bộ nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 94/NQ-CP/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 11 tháng năm 2019, có 6 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%; trong đó, 4 bộ, ngành giải ngân trên 90% là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và 4 địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Phước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 28 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (58,16%); 20 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% như Bộ Ngoại giao có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 5,62%, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là 5,34%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 9,29%, Đồng Nai 27,67%.
Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài mới đạt trên 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khâu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn và chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.
Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội niêm yết công khai danh sách doanh nghiệp chậm giải ngân vốn đầu tư công tại trụ sở kho bạc thành phố và các quận huyện. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra mới đấy, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Nam) cũng cho rằng, phân bổ nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách Trung ương còn chậm, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, nhất là các công trình, dự án giao thông ở một số địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa được nhận vốn từ Trung ương.
Các vấn đề này kéo dài nhiều năm chưa có biện pháp khắc phục quyết liệt khiến hiệu quả giải ngân còn thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong vẫn còn nguyên nhân chủ quan từ phía các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và tình trạng dồn vào giải ngân cuối năm gây khó khăn cho cơ quan kho bạc.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, ngành tài chính rất tích cực đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trung bình khoảng 2 tháng, Bộ có công văn gửi trực tiếp tới các bộ, địa phương để nhắc nhở, đốc thúc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết vốn, nhập Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư để đưa ra thanh toán...
Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; giám đốc Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước tập trung chủ động phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhất là trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán hoặc có những thay đổi về cơ chế chính sách liên quan đến kiểm soát thanh toán vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước cũng chủ động đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của Chính phủ, không dồn khối lượng thanh toán vào những ngày cuối năm.
Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng đề nghị giám đốc Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; giám đốc sở giao dịch Kho bạc Nhà nước đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng trách nhiệm và quy định hiện hành; nghiêm cấm công chức phụ trách kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc.
Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân cố tình vi phạm gây chậm trễ trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Về phía Bộ Tài chính, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu công trong năm nay, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ với việc đề xuất nhiều giải pháp như: đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân.
Để thúc đẩy giải ngân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, do Nghị quyết mới được ban hành nên tác động tới tiến độ giải ngân vốn chưa nhiều dẫn đến tiến độ giải ngân chưa được như kỳ vọng.
Theo đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), thực hiện Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao thêm hơn 7.326 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến kịp thời về việc điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2019.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát tình hình giải ngân các dự án đến thời điểm 31/10/2019 và đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2019 từ các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao sang cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt.
Đến nay, một số bộ, ngành đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh kế hoạch, như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải.
Một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, chủ đầu tư bám sát các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với số kế hoạch vốn năm 2019 không có khả năng giao trong năm 2019, theo đúng Nghị quyết số 94.
“Việc chậm giải ngân sẽ kéo chậm tăng trưởng của cả nền kinh tế, do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh hơn đối với các bộ, ngành, địa phương để diễn ra nghịch lý tồn tại hiện nay, đó là có tiền mà không tiêu được,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề nghị.