Tại nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu khác ở làng nghề Xuân Đỉnh, cảnh mua bán cũng diễn ra nhộn nhịp.
Về tối, các cửa hàng bán bánh trung thu tại làng nghề Xuân Đỉnh vẫn tấp nập người xếp hàng mua.
Vợ chồng anh Phạm Tuấn Đức (40 tuổi) ở TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Chúng tôi đã mua bánh trung thu tại làng nghề Xuân Đỉnh được 8 năm. Tôi đánh giá bánh ở đây ngon, ăn không bị quá ngọt và giá cả phải chăng. Năm nay, chúng tôi mua 20 chiếc, một phần để ăn, một phần để biếu ông bà”.
Tại cơ sở sản xuất bánh trung thu của bà Bùi Thị Bình - chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại làng Xuân Đỉnh, cơ sở đã 35 năm làm nghề, khoảng 20 công nhân làm việc cùng lúc để đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng trong dịp này. Trong quá trình sản xuất, tất cả công nhân đều phải tuân thủ đeo khẩu trang, tạp dề, bao tay… cũng như vật dụng làm bánh phải được khử trùng để đảm bảo vệ sinh.
Chọn nguyên liệu là khâu quan trọng trong sản xuất bánh trung thu . Nguyên liệu chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị, vẻ ngoài của chiếc bánh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chủ cơ sở cho biết, nguyên liệu đều được mua ở các đơn vị cung ứng lớn, rõ ràng về nguồn gốc và có hóa đơn. Quy trình làm bánh đã được cải thiện nhờ máy móc nhưng vẫn phải thực hiện nhiều công đoạn thủ công truyền thống. Bột sau khi nhào sẽ được chia phần, cán mỏng, rồi nhồi nhân và cho vào khuôn làm bánh.
Bà Bùi Thị Bình cho biết, vào mỗi dịp Trung thu, cơ sở thu hút nhiều khách từ các tỉnh lân cận đến mua. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vệ sinh thực phẩm, trước mỗi vụ Trung thu, chủ cơ sở và các nhân viên đều được kiểm tra sức khỏe và tham gia tập huấn tại phường Xuân Tảo để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Bình nói.