Thế hệ Y, thế hệ Z là những khái niệm nhân khẩu học, để chỉ những người sinh sau năm 1980. Theo Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG, 95% số người được khảo sát là khách hàng cá nhân của các ngân hàng thuộc nhóm tuổi này. Với mức độ sử dụng ngân hàng điện tử đã tăng gấp 4 lần chỉ trong 2 năm trở lại đây, hai thế hệ này, đặc biệt là thế hệ Z sinh sau năm 1995, thành thạo công nghệ, được cho là người sẽ dẫn dắt xu hướng ngân hàng số trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, việc áp dụng mã QR trong thanh toán đang được hàng chục ngân hàng phát triển để phục vụ cho thế hệ từ Y đến Z. Thế hệ Z bỏ thói quen xếp hàng ở các điểm giao dịch và điền thủ công vào các loại phiếu. Bởi vậy, số hoá dịch vụ ngân hàng, tạo thành cơ sở dữ liệu một cửa cho ngân hàng được dự báo sẽ là xu hướng để phục vụ cho nhóm khách hàng thế hệ mới này.
Chia sẻ tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ 2017 diễn ra tại Hà Nội tuần trước, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết thế hệ Z - chiếm tỷ lệ 35% trong tổng dân số Việt Nam hiện nay - là thế hệ đầu tiên được sinh ra trong kỷ nguyên của công nghệ số. Thế hệ này biết “vuốt” điện thoại trước khi biết nói, họ thích đeo kính 3D xem thực tế ảo hơn nói chuyện với người thân, họ có cái nhìn khác biệt với các thế hệ trước.
Với thế hệ Z, những hình ảnh xếp hàng ở quầy giao dịch ngân hàng hay trước máy rút tiền ATM có lẽ là phản cảm. Họ là một phần của hệ sinh thái công nghệ số khi cả xã hội đều tham gia vào môi trường số. Họ cũng không bị ràng buộc bởi những rào cản do con người đặt ra theo kiểu con trai không được mặc áo màu hồng và người lớn thì luôn luôn đúng…
Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của VIB cũng nói rằng, thế giới chúng ta đang được thế hệ Z dẫn dắt, thể hiện qua việc facebook, Instagram được thế hệ này dùng nhiều nhất. Khi chúng ta được thế hệ Z dẫn dắt, các ngân hàng cũng cần thay đổi, phải tạo ra sản phẩm để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất, đặt khách hàng làm trọng tâm.
Trong lĩnh vực ngân hàng số, thanh toán qua di động được xem là phương thức phổ biến nhất trong thời gian tới. Nhận thấy tiềm năng này, rất nhiều công ty công nghệ đã phát triển các ứng dụng thanh toán qua di động. Do đó, thanh toán không còn là lĩnh vực độc quyền của các ngân hàng.
“Tất cả những công ty không phải là ngân hàng cũng sẽ tham gia vào lĩnh vực thanh toán, nếu không thay đổi các ngân hàng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Trần Nhất Minh cảnh báo.