Năm 2020, tỉnh Hậu Giang tăng 15 bậc, xếp vị trí thứ 32 trên bảng xếp hạng các tỉnh thành về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Vietnam ICT Index).
Được thực hiện từ năm 2005 đến nay, xếp hạng Vietnam ICT Index cung cấp thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông ở Việt Nam. Đồng thời, báo cáo đưa ra những đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông dựa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty cùng các ngân hàng thương mại theo từng năm.
Vietnam ICT Index được đánh giá là báo cáo xếp hạng uy tín, chất lượng và đầy đủ; là một trong những cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông, chính quyền các địa phương đưa ra các quyết sách phù hợp, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ thông tin trên cả nước.
Ngày 26/4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2020. Theo đó, ở xếp hạng các tỉnh thành về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tỉnh Hậu Giang xếp vị trí thứ 32, tăng 15 bậc so với năm 2019.
Cụ thể, đối với các chỉ số thành phần, tỉnh Hậu Giang xếp thứ 34 về Hạ tầng kỹ thuật với 0,4332 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2019. Về chỉ số Hạ tầng nhân lực, tỉnh đứng thứ 30 với 0,6203 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin, Hậu Giang đạt 0,1997 điểm, xếp thứ 35 trên bảng xếp hạng, tăng 18 bậc. Cùng với đó, ở danh mục Dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đạt 0,1860 điểm, đứng thứ 46, tăng 16 bậc so với năm 2019.
Năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã triển khai, thực hiện nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, tỉnh đã cấp chứng thư số cho 104 tổ chức, 223 cá nhân; cấp 9391 tài khoản hệ thống thư điện tử công vụ cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh và tài khoản hệ thống xác thực tập trung sử dụng cho các hệ thống thông tin dùng chung.
Đồng thời, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đầu tư, mở rộng. Từ tháng 8/2020, tỉnh đã vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử ở 18 sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã. Tỉnh cũng cung cấp 235 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 166 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Lễ công bố Các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Hậu Giang |
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2020, tỉnh đã cơ bản hoàn thành khung pháp lý, chủ trương, chính sách để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Hậu Giang đã khai trương và vận hành thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC); triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), app nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PayGov)…
Năm 2021, Hậu Giang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tỉnh chú trọng nâng cấp trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai các nội dung của “Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang năm 2021”…
Hậu Giang là tỉnh đầu tiên ứng dụng công nghệ AI vào phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công, được thành lập ngày 8/4/2021. Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích để cung cấp, giải đáp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin cần thiết trước khi thực hiện dịch vụ công truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. |
Thảo Hiền