Cushman & Wakefield vừa phát hành Báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam quý 4/2021.
Tại báo cáo vừa phát hành, Công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường bất động sản này cho biết, năm 2021, biến thể Covid mới bùng nổ đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế và hoạt động công nghiệp Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu.
Theo báo cáo, trong quý 4, tổng nguồn cung đất công nghiệp tại TP.HCM vẫn ổn định ở mức xấp xỉ 2.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy không đổi so với quý trước và tăng nhẹ 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 87%.
Giá chào thuê trung bình tại TP.HCM đạt 4.308.000 VNĐ/m2/kỳ, tương đương 186 USD/m2/kỳ, tăng 1% so với quý trước và 3% theo năm, chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng.
Tại Hà Nội, tổng diện tích đất công nghiệp vẫn ở mức hơn 1.800 ha, không đổi so với quý trước và theo năm.
Tỷ lệ lấp đầy giữ ổn định so với quý trước nhưng tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái lên 89%. Hầu hết các dự án hiện tại đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế.
Giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 3.295.000 VND/m2/kỳ, tương đương 142,3 USD/m2/kỳ, giữ ổn định so với quý trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế.
Đáng chú ý, giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hà Nội vẫn cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, cao hơn Hưng Yên 71% và cao hơn Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt là 48% và 50%.
Mặc dù vậy, với mặt bằng giá trên, giá thuê đất công nghiệp ở TP.HCM vẫn xếp hạng cao nhất trên toàn quốc, cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gần gấp đôi mức giá tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp
Theo báo cáo, với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, gia tăng các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã thực hiện quyết liệt chính sách quan trọng “thích ứng an toàn với Covid-19”, thay vì “Zero Covid-19” nhằm hỗ trợ cho thị trường công nghiệp có những diễn biến tích cực.
Với những ưu đãi của Chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh, môi trường chính trị ổn định, triển vọng kinh tế tích cực và các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam đã trở nên được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Mặt khác, trong dài hạn, nhiều công ty đang tìm giải pháp thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ. Một số nhà sản xuất đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại các thị trường mới để giúp đa dạng hóa sản xuất. Các thị trường phát triển có thể sẽ được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các yếu tố, 'nhiệm vụ then chốt' của chuỗi cung ứng.
“Xét trên bình diện rộng hơn, sự tăng trưởng thương mại nội vùng ở châu Á, bởi vì người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiêu thụ nhiều hàng hóa được sản xuất tại khu vực hơn sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần. Giai đoạn sắp tới vào năm 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp”, báo cáo nhận định.