Sáng nay (28/6), TAND Tỉnh Nghệ An tiếp tục phần xét hỏi vụ án lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng Eximbank ở 2 phòng giao dịch Vinh và Đô Lương (Nghệ An).
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lam (bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 50 tỷ đồng của khách hàng) bắt đầu bào chữa:
"Vấn đề thứ nhất, tôi muốn làm rõ hành vi rút tiền của khách hàng của bị cáo Lam có được xem là tinh vi không? Cho tôi hỏi bị cáo Đặng Đình Hồng (Giám đốc PGD Eximbank Đô Lương – PV), thứ nhất bị cáo nói rằng là trưởng phòng, có trách nhiệm, sức ép lớn nhưng bị cáo khẳng định rằng không chỉ đạo các bị cáo rút tiền khỏi hệ thống; hai là bị cáo cho rằng việc rút tiền, các bị cáo ngồi đây đều có trách nhiệm của mình; ba là bị cáo nói rằng quá trình lưu giữ hồ sơ thủ tục ở PGD, có bộ phận hậu kiểm ở chi nhánh Vinh, có hay không có trách nhiệm của bộ phận ở Vinh không? Bị cáo Lam không phải là người có trách nhiệm thực hiện hạch toán đúng không? Bị cáo Lam có quyền in lệnh chi hay không? Quy trình rút tiền của Eximbank có chặt chẽ hay không?"
HĐXX đề nghị luật sư đặt câu hỏi ngắn gọn.
Luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Lam (bên trái) - Ảnh: PV
Luật sư bào chữa cho Lam đặt lại câu hỏi: Theo bị cáo Hồng, quy trình rút tiền ở Eximbank có chặt chẽ hay không?
Bị cáo Hồng trả lời: Không. "Theo tôi quy trình theo quy định của Nhà nước là chặt chẽ nhưng tại Eximbank thì không chặt chẽ, qua việc này cho thấy các kẽ hở. Trên thực tế, ngân hàng đã ra quyết định 147".
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam: Có điều gì không phù hợp cho thấy kẽ hở ở quyết định này?
Bị cáo Hồng trả lời: Cụ thể là quyết định 147 có cho phép giao dịch với khách hàng tận nơi nhưng lại không hướng dẫn cụ thể như thế nào, quy trình như thế nào.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam: Theo quy trình, giao dịch viên phải tiếp xúc với khách hàng đầu tiên đúng không?
Bị cáo Hồng trả lời: Trên thực tế không. Theo tôi, không chỉ mình PGD Đô Lương mà cả hệ thống, chắc chắn không chỉ là Eximbank Đô Lương. Tuy nhiên, phát hiện những sai sót này, Eximbank đã có thay đổi sao cho quy trình tốt hơn.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam hỏi đại diện của Eximbank: Eximbank có thừa nhận có những sơ hở như vậy?
Đại diện Eximbank: Tôi đã trả lời rất rõ, Eximbank đã có ban hành nhiều văn bản quy trình quy định chặt chẽ.
Đại diện của Eximbank (đang đứng trả lời câu hỏi của LS bào chữa cho Lam) - Ảnh: PV
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam hỏi bị cáo Hồng: Lam chuyển tiền ra khỏi hệ thống, thủ đoạn của Lam đơn giản hay tinh vi?
Bị cáo Hồng trả lời: Theo nhận thức của tôi là có tinh vi, ở chỗ qua mặt được cả ngân hàng và khách hàng.
Luật sư: Lam là người chăm sóc khách hàng VIP nên được mọi người tin tưởng? Như được tin tưởng về nhân cách?
Bị cáo Hồng: Tôi từ chối trả lời câu hỏi này.
Luật sư: Sau khi vụ việc bị phát hiện, bị cáo có kiểm tra lại chứng từ Lam rút tiền khỏi hệ thống không?
Bị cáo Hồng: Tôi có kiểm tra lại, và phát hiện ra các trường hợp khác.
Luật sư bào chữa cho Lam tiếp tục hỏi đại diện Eximbank: Ngân hàng đã thỏa thuận gì trong việc tạm ứng cho 2 khách hàng? (Eximbank tạm ứng cho khách hàng Nguyễn Tiến Nam 23 tỷ đồng và Nguyễn Thị Kiều Hương 9,25 tỷ đồng – PV)
Đại diện Eximbank từ chối tiết lộ nội dung cụ thể.
Luật sư bào chữa cho Lam hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hà (khách hàng bị rút mất 350 triệu đồng - PV): Bà có nhớ mình đã lấy lãi suất theo sổ hay khác sổ bao nhiêu không?
Bà Hà bức xúc trả lời: Toàn bộ số tiền gửi tại Eximbank và tiền lãi đã được minh chứng tại sổ. Tôi đã nói rõ khi trả lời HĐXX, từ chối trả lời luật sư.
HĐXX tiếp tục lưu ý Luật sư bào chữa của Lam đặt câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, không đẩy cao trào.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam tiếp tục hỏi bà Võ Thị Hương và bà Nguyễn Thị Kiều Hương. Các khách hàng bị mất tiền liên tục bức xúc, từ chối trả lời câu hỏi vòng vo của Luật sư.