Sáng 28/5, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê Tiền Giang) – cựu Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh TP HCM cùng Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình) – cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà Bè Ngân hàng Vietinbank ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa mở ra theo đơn kháng cáo của 4/5 nguyên đơn dân sự trong vụ án. Bị cáo Võ Anh Tuấn cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm.
Phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huyền Như có 3 thẩm phán, trong đó ông Đặng Văn Thành ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Cấp cao tại TP HCM giữ quyền công tố.
Ngoài ra, phiên tòa còn có sự tham gia tranh tụng của các luật sư bào chữa cho hai bị cáo, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ngay trong phần làm thủ tục, luật sư Hồ Quốc Tuấn – bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đầu tư & Thương mại An Lộc và Công ty Chứng khoán Phương Đông đề nghị triệu tập một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Vietinbank để làm rõ các vấn đề liên quan.
Ngay lập tức, luật sư Trương Xuân Tám – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank, đề nghị tòa không đồng ý với yêu cầu của luật sư Tuấn vì cho rằng, vụ án Huyền Như đã xét xử ở hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm (trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 4000 tỷ đồng vào cuối năm 2014, đầu năm 2015), lại vừa được xem xét tại phiên tòa sơ thẩm vụ án lừa đảo hơn 1085 tỷ đồng của 5 công ty nên không cần thiết phải có mặt tại phiên tòa.
Tham gia nêu ý kiến tại phần làm thủ tục, luật sư Trần Minh Hải – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, kiến nghị tòa triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vấn đề pháp lý trong vụ án. “Nếu không triệu tập được đại diện NHNN thì đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo tính khách quan”, luật sư Trần Minh Hải kiến nghị.
Bên cạnh đó, luật sư Hải đề nghị tòa xem xét Vietinbank tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Đáp lại quan điểm của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, tại phiên tòa có 13/18 người liên quan vắng mặt, trong đó bà Nguyễn Thị Minh Hương – Nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP HCM và ông Nguyễn Văn Sẽ - Nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP HCM có đơn xin vắng mặt. Số người liên quan còn lại vắng mặt không có lý do. Một số lãnh đạo của Vietinbank đã có bản tường trình, biên bản ghi lời khai. Vụ án Huyền Như đã được điều tra, xét xử qua nhiều phiên tòa nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến phiên tòa hôm nay.
Đối với đề nghị triệu tập NHNN, công tố viên cho hay, trong quá trình điều tra, xét xử quan điểm của NHNN được thể hiện qua văn bản của đơn vị này và văn bản quy phạm pháp luật về quy định vay vượt trần. Tài liệu này đã có trong hồ sơ vụ án, họ cũng đã giải thích vấn đề này.
Toàn cảnh phiên tòa |
|
Căn cứ vào đề nghị của các luật sư tham gia tố tụng, quan điểm của VKS, sau hội ý, HĐXX thấy rằng, việc triệu tập những người liên quan theo yêu cầu của luật sư là không cần thiết vì đã được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử trước đó. HĐXX cũng không chấp nhận yêu cầu của luật sư việc triệu tập NHNN tham gia phiên tòa vì đã được làm rõ.“Đối với yêu cầu xác định tư cách nguyên đơn dân sự của Vietinbank, trong quá trình xét xử, nếu thấy có sự thay đổi sẽ xem xét quyết định”, chủ tọa phiên tòa cho biết.
Diễn biến liên quan, HĐXX cũng cho biết, tòa không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Thanh Phương – nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng TiênPhongbank do quá thời hạn.
Bản án sơ thẩm cáo buộc, bà Lê Thị Thanh Phương nhận hơn 6,7 tỷ đồng là khoản tiền chi phí giới thiệu đối tác và phí cho người giao dịch.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được cấp tòa sơ thẩm xem xét và tuyên phạt “siêu lừa” tù Chung thân (Tổng hợp hai bản án giai đoạn 1 và giai đoạn 2) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Võ Anh Tuấn nhận án 7 năm tù giam (Tổng hợp hình phạt vụ án giai đoạn 1 vụ án Huyền Như là 27 năm tù giam).
Huyền Như và Anh Tuấn liên đới bồi thường các khoản tiền trong vụ án này. Tổng số tiền Huyền Như chiếm đoạt là hơn 1085 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 4 nguyên đơn dân sự là: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc kháng cáo cho rằng trách nhiệm trả tiền thuộc về Vietinbank.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên không kháng cáo. Ngoài ra, bị cáo Võ Anh Tuấn cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt./