Các bị cáo gồm Hồ Ngọc Thủy (SN 1986), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1984), Trần Nguyễn Xuân Lan (SN 1981), Nguyễn Thị Thi (SN 1978), Cao Lan Phương (SN 1980) và Lương Quốc Anh (SN 1986, cùng là nhân viên Eximbank chi nhánh TPHCM) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 3-2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM) giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền của ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP. HCM liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình , Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.
Đồng thời, Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên là các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt... tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỷ đồng liên quan đến 13 sổ tiết kiệm: 11 sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, 1 sổ tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm và 1 sổ tiết kiệm của bà Lê Thị Minh Quí.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: YC
Các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.
Đối với hành vi của Hưng đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định truy nã.
Ngày 28-6-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an đã ra Quyết định tách vụ án và Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hưng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Buổi chiều, trong phần xét hỏi, bị cáo Thuỷ khai tiếp nhận hồ sơ từ ông Hưng mà không gặp người uỷ quyền là bà Bình. Ông Hưng nói với bị cáo là "chị Bình là khách hàng lớn, khách hàng VIP nhưng đi công tác, không có thời gian, thường không ra trực tiếp giao dịch nên không cần gặp".
Theo bị cáo Thủy, khách hàng VIP là khách hàng có số dư lớn tại ngân hàng, khách hàng VIP có thể giao dịch tại nhà và bà Bình chính là khách hàng VIP của ngân hàng.
Theo Thủy, khi Hưng yêu cầu làm giấy uỷ quyền, đã có chữ ký của bà Bình và Phong nhưng chưa có nội dung giấy uỷ quyền, Thủy soạn theo chỉ đạo của Hưng là uỷ quyền cho ông Phong. Khi làm giấy uỷ quyền không cần sổ tiết kiệm bản chính chỉ cần kiểm tra trên hệ thống và khi Thủy làm giấy ủy quyền không có sổ tiết kiệm chỉ có danh sách sổ tiết kiệm. Bị cáo khẳng định mình nhận lệnh từ ông Hưng, làm theo chỉ đạo của ông Hưng.
Đối với 21 lệnh chi thì Thủy cho rằng cũng không gặp bà Bình. Thuỷ hoàn toàn tin tưởng và làm theo chỉ đạo của ông Hưng vì Hưng nói cứ làm đi, Hưng sẽ gặp khách hàng và cập nhật sau vì đó là khách hàng VIP. Thủy thừa nhận giao dịch khi không gặp khách hàng là sai, nhưng bị cáo không có cơ hội gặp bà Bình. Lệnh chi thực hiện xong khi chuyển xuống các phòng ban khác cũng không có ý kiến.
Bà Chu Thị Bình (áo hồng) tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Trâm thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng quy kết. Trâm cho rằng mình nhận lệnh từ Hưng. Hưng nói rằng khách hàng bị đau tay nên chữ ký hơi run. Tuy không có mặt khách hàng nhưng bị cáo tin tưởng nên làm theo yêu cầu của Hưng.
Các bị cáo khác cũng cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo...
Phiên tòa còn tiếp tục...