Riêng tháng 3/2018 lượng xi măng xuất khẩu tăng mạnh 58% so với tháng 2/2018, đạt 3,5 triệu tấn, kim ngạch cũng tăng tới 52,6%, đạt 120,8 triệu USD. So với cùng tháng năm ngoái thì tăng rất mạnh 94% cả về lượng và kim ngạch, nhưng giá xuất khẩu giảm 3,4% so với tháng 2/2018 và giảm 0,7% so với tháng 3/2017, đạt 34,5 USD/tấn.
Bangladesh, Philippines và Trung Quốc là top 3 thị trường tiêu thụ hàng đầu các loại xi măng của Việt Nam; Trong đó, Bangladesh đạt 3,28 triệu tấn, tương đương 103,11 triệu USD; Philippines đạt 1,63 triệu tấn, tương đương 70,71 triệu USD và Trung Quốc đạt 1,33 triệu tấn, tương đương 42,42 triệu USD.
Thị phần xi măng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường
Trong quý 1 năm nay xuất khẩu xi măng sang đa số các thị trường đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái; Xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á nói chung tăng trên 40% cả về lượng và kim ngạch; Trong đó, Đài Loan tăng mạnh nhất 114% về lượng và tăng 120% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 473.001 tấn, tương đương 14,49 triệu USD.
Xuất khẩu sang Malaysia cũng tăng tới 96,9% về lượng và tăng 101% về kim ngạch, đạt 206.743 tấn, tương đương 6,61 triệu USD. Thị trường Bangladesh tăng 52% về lượng và tăng 62% kim ngạch; Philippines tăng 49% về lượng và tăng 43% kim ngạch.
Mặc dù, lượng và kim ngạch xuất khẩu xi măng trong quý 1 tăng rất mạnh so với cùng kỳ, nhưng giá xuất khẩu lại giảm nhẹ 0,2%, đạt 34,9 USD/tấn. Cá biệt, giá xuất khẩu sang thị trường Australia lại tăng đột biến tới 240% và đạt mức cao nhất 120 USD/tấn.
Trong khối các nước Đông Nam Á thì xuất sang Lào được giá tốt nhất 64,9 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Xuất sang Campuchia cũng có giá tương đối cao 51,6 USD/tấn, giảm 1,9%. Xuất sang Philippines 43,4 USD/tấn, giảm 4%.
Giá xuất khẩu xi măng sang các thị trường quý 1/2018 (USD/tấn)
Nguyên nhân xuất khẩu xi măng tăng trưởng tốt, là do sự phát triển mạnh của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam và một phần do Chính phủ Trung Quốc ra chính sách đóng cửa hàng loạt nhà máy xi măng từ ngày 15/11/2017 đến 15/3/2018 vì ô nhiễm môi trường và vì Trung Quốc đang thiếu điện, trong khi sản xuất xi măng lại tiêu thụ điện rất lớn - cũng chính là lý do khiến Trung Quốc đang từ một nước xuất khẩu xi măng clinker số 1 thế giới năm 2016, thì bắt đầu từ tháng 5/2017 quay sang nhập khẩu xi măng từ Việt Nam. Do đó, xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam tăng mạnh.
Có nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục gia hạn lệnh đóng cửa các nhà máy xi măng, không chỉ ở khu vực xung quanh Bắc Kinh mà còn ở nhiều thành phố khác, như vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục thiếu xi măng, clinker, đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu xi măng của Việt Nam.