Hãng sản xuất được mệnh danh là "Apple Châu Á" Xiaomi vừa cho ra mắt mẫu smartphone Hongmi Note 5 tại Hàn Quốc với mức giá khoảng 176-264 USD (tùy phiên bản). Sản phẩm được bán thông qua nhà mạng địa phương SK Telecom và Korea Telecom (KT).
Đặc biệt nếu các nhà mạng trên có thêm trợ cấp giá kèm theo gói cước thì giá bán của máy có thể còn thấp hơn 100 USD.
Việc sở hữu giá bán hấp dẫn, dưới 300 USD, thấp hơn nhiều so với các mẫu smartphone khác trên thị trường Hàn Quốc, đa số trên 500 USD đã thu hút rất đông sự chú ý của người tiêu dùng xứ sở Kim Chi.
Mặc dù Xiaomi không tiết lộ số đơn đặt hàng trước của smartphone tại thị trường Hàn Quốc nhưng theo nguồn tin địa phương tiết lộ, phản hồi của người tiêu dùng Hàn Quốc rất tích cực.
Từ lâu, lợi nhuận của Xiaomi không được đánh giá cao và chỉ đạt khoảng 5% doanh thu tổng thể. Tuy nhiên chiến lược không đặt lợi nhuận trên hết và chọn mức giá siêu hấp dẫn cho sản phẩm đã trở thành thứ vũ khí mạnh nhất của Xiaomi khi tiếp cận các thị trường khác.
Bằng chứng là Xiaomi đã vượt mặt hãng điện tử lớn nhất thế giới Samsung tại thị trường Ấn Độ trong suốt Q2/2018. Theo hãng phân tích Canalys, mặc dù cả hai đều xuất xưởng được khoảng 9,9 triệu máy, chiếm 30% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm của Xiaomi vượt trội hơn rất nhiều, đạt 106% so với 47% của Samsung.
Xiaomi giờ đây không còn là một hãng chuyên bán hàng trên mạng như trước mà đã phủ sóng tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới thông qua cửa hàng Mi Store
Không chỉ thách thức Samsung và các ông lớn Hàn Quốc trên thị trường mới nổi, giờ đây, Xiaomi và nhiều thương hiệu Trung Quốc còn tấn công và thách thức Samsung ngay trên chính sân nhà.
Hiện tại Samsung là nhà cung cấp smartphone lớn nhất tại Hàn Quốc với 55% thị phần, xếp sau là Apple với 28,3% và LG là 15,7%. Chỉ tính riêng ba nhà sản xuất này đã chiếm tới 99% và chỉ 1% còn lại không đủ tạo "nên mùa xuân".
Ngại gì sân khách, Xiaomi quyết "đem chuông đi đánh xứ người" bằng một chiến thuật vô cùng đặc biệt
Tất nhiên, Xiaomi không ngại vấn đề không có chỗ đứng trong thời gian đầu. Hãng chỉ cần có lý do để tiếp cận thị trường này mà thôi. Hàn Quốc dự kiến sẽ là một trong điểm dừng chân và trục xương chính trong mạng lưới phân phối toàn cầu mà Xiaomi đang cố tạo ra.
Hiện tại doanh thu của Xiaomi tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu chững lại và hãng buộc phải tấn công các thị trường khác để tìm hướng đi mới. Xiaomi mong muốn tăng doanh thu ở các thị trường ngoài nước và chiếm tới hơn một nửa tổng doanh thu của hãng.
Như đã nói ở trên, Xiaomi đang làm rất tốt kế hoạch xâm chiếm thị trường Ấn Độ và hãng muốn thử sức với mô hình đã từng thành công tại Ấn Độ trên quê hương của Samsung hay LG.
Xiaomi lần đầu tiên ra mắt trang web Mi Korea vào hồi giữa năm 2017 để chờ cơ hội ra mắt smartphone trong năm 2018
Một số nhà quan sát thị trường cảnh báo, Hàn Quốc là mồ chôn của nhiều nhà sản xuất smartphone từ nhiều quốc gia khác. Các thương hiệu như Huawei, Motorola và Sony đã phải rất nỗ lực để chiếm giữ một phần rất nhỏ thị trường.
Tuy nhiên Xiaomi đã chọn cách tiếp cận thị trường Hàn Quốc theo một hướng hoàn toàn khác. Để xây dựng nhận thức cho khách hàng về thương hiệu Xiaomi, sản phẩm đầu tiên hãng mang tới Hàn Quốc là pin dự phòng và các sản phẩm thông minh thay vì smartphone.
Các sản phẩm pin dự phòng của Xiaomi từ lâu đã được biết đến với độ bền cao, chất lượng và giá bán hấp dẫn. Thậm chí có nguồn tin tiết lộ, Xiaomi hiện chiếm tới 80% thị phần pin dự phóng tại Hàn Quốc.
Xiaomi chọn cách tiếp cận thị trường Hàn Quốc thông qua các sản phẩm tiện dụng trước
Khả năng nhận diện thương hiệu ngày càng tốt chính là tiền đề quan trọng giúp Xiaomi tiếp tục mở rộng mặt hàng kinh doanh, mà cụ thể là smartphone.
Để tấn công một thị trường với hơn 51 triệu dân và văn hóa sử dụng smartphone khác biệt như Hàn Quốc, Xiaomi đã đem tới model Hongmi Note 5, một biến thể khác của chiếc Redmi Note 5 với màn hình 5.99 inch, camera sau 12MP và camera trước 5MP, hỗ trợ chụp ảnh bằng AI. Đây là một trong những model đã đóng góp phần lớn thành công của Xiaomi tại thị trường Ấn Độ.
Nhưng chính Xiaomi cũng đang mạo hiểm khi đặt cược vào một mẫu smartphone giá rẻ. Một trong những lý do chính có thể khiến người Hàn không mấy mặn mà với sản phẩm, đó là việc Hongmi Note 5 không hỗ trợ NFC và người dùng sẽ không thể thanh toán qua di động được.
Dù giá rẻ nhưng nếu không có những tùy biến thích hợp với thị trường Hàn Quốc, Hongmi Note 5 vẫn có thể sẽ thất bại thảm hại
Ngoài ra, Hongmi Note 5 cũng không có chức năng thanh toán di động như Samsung Pay hay LG Pay, những yếu tố tiên quyết mà đa số người dùng Hàn lựa chọn để thuận tiện cho việc mua sắm, ăn uống hay đi tàu điện ngầm.
Nói cách khác, giá rẻ có thể là vũ khí tốt nhất giúp Xiaomi giành được thị phần ở các thị trường mới. Nhưng ở một số thị trường đặc thù như Hàn Quốc, phần mềm và giao diện mới chính là điều mà người dùng quan tâm hơn cả. Trong thời gian tới, Xiaomi chắc chắn sẽ phải lưu ý điều này nếu vẫn muốn duy trì sự tồn tại ở xứ sở Kim Chi.
Xiaomi được cho đang tính đến việc mở của hàng bán lẻ tại thị trường Hàn Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng ở quốc gia Đông Bắc Á. "Vòi bạch tuộc" của Xiaomi hiện đã vươn tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tham khảo DigiTimes và Ejinsight