Với mô hình này, công nhân sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ nhưng về ngủ ở những “vùng xanh” hay những “khu an toàn” đã được kiểm soát.
Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP.HCM (HBA) ngày 15/8 đã kiến nghị về việc cải tiến phương thức “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Theo đó, HBA đưa ra giải pháp “2 tại chỗ - 1 vùng xanh”, tức là công nhân “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ” nhưng về ngủ nơi “vùng xanh” hay những khu “an toàn”.
Với phương thức trên, doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền phường/xã và khu phố xây dựng các “vùng xanh”. Nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khu nhà trọ, khách sạn,... nhưng trước hết phải nằm trong “vùng xanh” đã được doanh nghiệp khảo sát, lựa chọn nhằm đảm bảo việc thuận lợi đi lại bằng xe đưa đón tập trung.
Mô hình “3 tại chỗ” đang làm “bí” doanh nghiệp |
HBA cho rằng, chi phí hỗ trợ cho “2 tại chỗ - 1 vùng xanh” chắc chắn ít tốn kém hơn so với các phương án khác, nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn. Tuy nhiên, Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp TP.HCM (Hepza), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và công ty đầu tư hạ tầng các khu cần tạo điều kiện để DN kết nối với khu vực, chính quyền địa phương để phối hợp xây dựng “vùng xanh” cho công nhân.
Doanh nghiệp/nhà máy cần ứng dụng công nghệ, cài đặt và sử dụng Bluezone cho công nhân để theo dõi. Công nhân “vùng xanh” sẽ được doanh nghiệp xét nhiệm 5 ngày/2 lần.
Thống kê cho thấy, trong 17 Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp hiện có 50% doanh nghiệp/nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động khoảng 51.000 công nhân (781 doanh nghiệp/1.412 nhà máy), trong đó có 652 nhà máy đủ điều kiện. Khu Công nghệ cao có 76/85 nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ”, với khoảng 10.000 công nhân viên, kỹ sư, chuyên gia.
Mô hình “2 tại chỗ - 1 vùng xanh” được đưa ra trong bối cảnh hơn một tháng thực hiện “3 tại chỗ”, tâm lý công nhân đang có diễn biến “không muốn ở mãi trong nhà máy hoặc khách sạn”, đồng thời chi phí “3 tại chỗ” của doanh nghiệp là quá lớn, không thể kéo dài.
Chủ tịch HBA - ông Nguyễn Văn Bé - cũng đề nghị TP, Hepza, SHTP chấp nhận cho thí điểm thực hiện “2 tại chỗ - 1 vùng xanh” đối với Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam. Mỗi công ty tổ chức cho 30 công nhân về “vùng xanh” cư trú và bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định.
Theo đại diện HBA, dù tương lai đạt được “bình thường mới” và đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, cũng có thể vẫn phải “sống chung với dịch” trong mọi hoạt động xã hội, kể cả trong sản xuất kinh doanh. Do vậy, cần chủ động có các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch thiết thực, kịp thời và hiệu quả.
Trước đó, Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM (SBA) đã kiến nghị về phương án thí điểm cho người lao động đi làm từ nhà. Đây là những lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1 thuộc Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam. Người lao động và chủ sử dụng lao động tại hai công ty nói trên buộc phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về phòng, chống dịch nếu được áp dụng thí điểm.
Quảng Định