Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xóa hơn 26.500 tỉ đồng nợ thuế các loại do Bộ Tài chính soạn thảo đang gây chú ý bởi đây là số tiền nợ thuế quá lớn, tích tụ trong hàng chục năm.
Chủ yếu từ khu vực sản xuất kinh doanh
Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2017, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt lên đến 78.619 tỉ đồng. Trong đó, số nợ thuế các loại do ngành thuế quản lý là 73.145 tỉ đồng; nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 5.474 tỉ đồng. Các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do nguyên nhân khách quan lên đến 35.347 tỉ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Trong khi đó, kết quả xử lý nợ thuế đạt rất thấp đối với những trường hợp nợ không có khả năng thu. Giai đoạn 2007-2017, tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp mà ngành thuế xóa nợ là 1.122 tỉ đồng, chiếm 3,3% số nợ không có khả năng thu hồi.
Việc xóa nợ thuế trong thực tế gặp nhiều khó khăn vì vướng quy định pháp lý. Cụ thể, khoản nợ thuế quá 10 năm chỉ được xóa nếu cơ quan thuế đã thực hiện tất cả biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng điều kiện "đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế" vì nhiều lý do bất khả kháng và khó thực thi trong thực tế. Trường hợp phổ biến khác là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, không còn tài sản để nộp thuế nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không…
Trong tổng số 26.500 tỉ đồng nợ thuế mà Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ, nhiều nhất tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh với 24.302 tỉ đồng. Đó là những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1-1-2017, không còn khả năng nộp ngân sách và đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, khoảng 10% là doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Các trường hợp được đề xuất xóa nợ thuế do nguyên nhân bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác gồm tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, tổng cộng khoảng 1.700 tỉ đồng. Tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán là 542,525 tỉ đồng.
Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Bài toán khó
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã, xóa nợ thuế đối với những khoản tồn đọng, không thể thu hồi vì lý do khách quan là phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan trọng là làm sao tránh được tình trạng DN lách luật để được xóa nợ thuế. Thời gian qua, từ khi đăng ký thành lập đến khi hoạt động, phá sản, việc kiểm soát hoạt động của DN còn chưa chặt chẽ, xuất hiện nhiều tiêu cực không chỉ nợ thuế mà còn hiện tượng mua bán hóa đơn.
Việc xóa nợ thuế cần có người chịu trách nhiệm, có sự kiểm tra chéo, thậm chí sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán để kiểm tra xác suất. Đây là việc làm cần thiết để tránh thông đồng giữa các bên, lạm dụng chính sách bởi tỉ lệ xác suất vi phạm khó tránh khỏi. Hơn nữa, đối với kinh tế thị trường, việc xóa nợ thuế có thể vài năm lặp lại một lần.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm đã là thuế thì 1 đồng cũng cần, nên xóa nợ thuế phải bảo đảm nguyên tắc minh bạch và công bằng. Xóa nợ thuế là bài toán khó của ngành tài chính do vướng quy định, số tiền xóa nợ thuế thực chất là tiền không thu được cộng với tiền phạt chậm nộp thì khoản nợ thuế ngày càng cao "treo" ở đó không xử lý được và làm xấu tình hình tài chính của DN.
Xóa nợ thuế có thể mất một khoản cho ngân sách nhưng DN sau khi sắp xếp lại có thể sẽ phục hồi, tạo ra nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, đối tượng xóa nợ thuế còn có các DN nhà nước, thu nợ thuế thực chất là lấy tiền của nhà nước thì vô nghĩa.
"Chủ trương là hoàn toàn phù hợp nhưng quá trình thực thi phải bảo đảm đưa ra tiêu chí, nguyên tắc nhất định và thực thi đúng; có thanh kiểm tra để bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. Không thể nói chung chung dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng gây thất thoát của nhà nước" - chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Chủ tịch tỉnh có quyền xóa nợ thuế
Về thẩm quyền xử lý, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp từ 10 tỉ đồng trở lên; 5-10 tỉ đồng do Bộ trưởng Tài chính quyết định và dưới 5 tỉ đồng do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định. Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.