Sau gần 6 năm, tuyến buýt nhanh BRT hoạt động vận hành khai thác, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã khẳng định, TP.Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu (tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa) bằng tuyến đường sắt đô thị.
Nội dung này được ông Dương Đức Tuấn thông tin tại buổi làm việc của UBND TP.Hà Nội với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 vừa qua.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội cũng đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các tuyến tàu điện một ray trên địa bàn.
Theo đó, thành phố ưu tiên xem xét bổ sung ba tuyến mới, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai, tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm, tuyến dọc theo trục phía nam (kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía nam với sân bay thứ hai khu vực phía nam).
Thông tin về hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, buýt nhanh BRT cũng đã được nhiều người dân tin tưởng sử dụng.
Về doanh thu ông Phương cho biết: "Sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao".
Khi được hỏi về phương án "xoá sổ" buýt nhanh BRT để thay thế bằng đường sắt đô thị, ông Phương cho hay, đây là phương án được tính toán trong tương lai, còn khi nào bỏ tuyến buýt nhanh BRT là việc của Sở GTVT Hà Nội.
Nói về lộ trình "xoá sổ" buýt nhanh BRT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ với báo chí: "Việc thay thế tuyến buýt nhanh BRT cần tính toán kỹ lượng. Khi T.Hà Nội có đầy đủ tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn theo quy hoạch, Hà Nội mới tính chuyện bỏ tuyến buýt nhanh BRT.
Trong giai đoạn chờ đợi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội và các đơn vị cải thiện chất lượng dịch vụ hành khách công cộng là một nhiệm vụ lớn của ngành giao thông Hà Nội.
Qua đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng (Công an Thành phố, Thanh tra GTVT) cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra và xử lý vi phạm trên hành lang BRT, hạn chế tình trạng các phương tiện cá nhân đi vào làn đường dành riêng cho BRT, giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng tắc đường để đảm bảo xe BRT vận hành thông suốt.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt để tăng cường kết nối với tuyến buýt nhanh BRT01; thực hiện tốt duy tu, bảo dưỡng làn đường dành riêng ưu tiên cho xe BRT hoạt động; duy tu, duy trì, đảm bảo phương tiện, nhà chờ và các tiện ích trên xe như: wifi miễn phí, hệ thống thông tin cho hành khách (bảng đèn led và âm thanh), camera... hoạt động ổn định trong quá trình khai thác.
Đồng thời, áp dụng phương thức mua vé (tem vé tháng, vé lượt) không dùng tiền mặt thông qua mã QR-CODE trên toàn bộ các nhà chờ của tuyến buýt nhanh BRT.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Ha Nội sẽ tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến buýt nhanh BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến buýt nhanh BRT.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội đã đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng để sơn kẻ vạch, điều chỉnh biển báo và tổ chức giao thông cho đoạn đường có tuyến buýt nhanh BRT đi qua.
.