Như Dân Việt đã thông tin, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ "xoá sổ" đường sắt Hà Nội và Sài Gòn trong năm nay để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm tính cạnh tranh đem lại hiệu quả trong kinh doanh sản xuất.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại đề án cơ cấu doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lựa chọn phương án hợp nhất hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Vào cuối tháng 4/2024, hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên và đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty, phương án hoạt động kinh doanh, điều lệ của công ty hợp nhất...
Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt, tên viết tắt: VRT; vốn điều lệ hơn 1.303 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng sẽ thành lập Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý, theo dõi và điều hành vận tải đường sắt, đổi mới quản trị doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, tổ chức quản lý tập trung toàn bộ nguồn lực đất đai có khả năng khai thác thương mại nhằm khai thác tối đa lợi thế thương mại của quỹ đất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt cho biết: "Việc sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách".
Cùng với đó là thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Về tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, ông Mạnh khẳng định: "Khi sáp nhập hai doanh nghiệp nêu trên, chúng tôi sẽ tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải…"
"Chúng tôi tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động", ông Mạnh khẳng định.
Đối với nhân sự sau khi sáp nhập, ông Mạnh cho biết, đã có hành lang pháp lý và được luật hóa tại Luật Doanh nghiệp nên có đủ cơ sở để tổ chức thực hiện. Việc sáp nhập này, ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực. Tiết kiệm được chi phí phát sinh của quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, như không phải thực hiện đánh giá lại các tài sản và tổ chức đấu giá…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hợp nhất sẽ tiếp tục sử dụng lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, không làm phát sinh khoản kinh phí lớn do chấm dứt hợp đồng lao động và phải trợ cấp cho người lao động.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Mạnh nhấn mạnh: "Chúng tôi cố gắng biến những nhược điểm của đường sắt thành ưu điểm".
"Nhiều ga ở khu vực trung tâm thành thị, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử rất lớn. Vì thế, chúng tôi mong muốn khi tàu và ga, hành khách sẽ được trải nghiệm, chia sẻ giá trị văn hóa, lịch sử, chứ không chỉ là vận tải thuần túy", ông Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Manh, đường sắt đang tiến hành phát triển mạnh mẽ mô hình "Mỗi khu ga một điểm đến", người dân đến khu ga không phải chỉ để đi tàu, mà còn tham quan, chiêm ngưỡng... Song song đó, xây dựng sản phẩm tàu khách trên cung chặng phù hợp, vừa kết nối giữa các miền di sản, vừa giúp địa phương phát triển dịch vụ, du lịch.
Đặc điểm tàu khách hiện nay là chạy chậm, thời gian hành trình dài. Vậy nên trên tàu, chúng tôi cung cấp wifi, các kho phim, kho truyện online để khách giải trí, hoặc làm việc. Khi đó, khách có thể đi tàu để "sống chậm", hưởng thụ một chút. Với khách thích vui vẻ, náo nhiệt thì có toa xe cộng đồng để tiệc tùng, hát hò.