Giá xoài thu mua tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg, bán lẻ chỉ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Giá xoài sụt giảm “thê thảm” là do việc xuất khẩu, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.
Thời gian gần đây, nông dân ở nhiều tỉnh ở khu vực Nam bộ “ồ ạt” bước vào mùa thu hoạch xoài. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên tình hình tiêu thụ xoài gặp nhiều khó khăn khiến giá xoài rớt xuống “đáy”.
Bà Lưu Thị Ngon (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, gia đình bà đang trồng loại xoài Cóc. Xoài chín rộ nên gia đình bà đang tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, giá thương lái thu mua tận vườn chỉ 5.000 đồng/kg.
Xoài giá rẻ bán đầy các vỉa hè ở TPHCM, Long An. Ảnh: Đại Việt |
“Thương lái thu mua rẻ quá nên tôi tự mang xoài ra ngoài bán. Mỗi ký xoài tôi bán lẻ với giá 8.000 đồng. Đây là giá thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Những năm trước, xoài bán lẻ có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg”, bà Ngon nói.
Theo bà Ngon, do xoài của gia đình không có nhiều nên bà có thể đi bán lẻ như vậy. Tuy nhiên, những gia đình trồng nhiều xoài phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Giá xoài thu mua tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg. Ảnh: Đại Việt |
Ông Nguyễn Thuận, một thương lái tại tỉnh Long An cho biết, ông đang thu mua xoài keo với giá 4.000 – 5.000 đồng/kg, xoài Cát Chu giá từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 12.000 – 14.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giá 15.000 – 17.000 đồng/kg.
“Năm nay, xuất khẩu xoài gặp nhiều khó khăn nên xoài chủ yếu bán trong nước. Xoài thì nhiều mà bán thì khó nên giá giảm mạnh. Giá xoài năm trước phải cao hơn 50 – 70% so với năm nay”, ông Thuận nói.
Xoài chín cây, bán lẻ chỉ 8.000 đồng/kg. Ảnh: Đại Việt |
Tại TPHCM, xoài giá rẻ cũng bán đầy các vỉa hè. Trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, Bình Thạnh), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình)… nhiều xe đẩy bán xoài “di động” treo bảng 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Chị Nga, một người bán xoài trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) chia sẻ, chị chủ yếu bán loại xoài keo vì xoài keo khi còn xanh có vị giòn, “chua chua, ngọt ngọt”. Khi chín thì xoài keo có vị ngọt dễ ăn.
“Xoài chín thì giá 10.000 đồng/kg, xoài xanh thì giá 15.000 đồng/kg. Năm ngoái, xoài keo có giá không dưới 20.000 đồng/kg. Năm nay xoài nhiều nên giá rẻ. Mỗi ngày tôi bán từ 50 – 70kg”, chị Nga nói.
Tại TPHCM, xoài chín chỉ có giá 10.000 đồng/kg. Ảnh: Đại Việt |
Theo ghi nhận của PV, giá xoài bán tại các siêu thị và chợ đầu mối nông sản vẫn ở mức cao.
Cụ thể, tại các siêu thị, xoài cát chu giá 24.000 đồng/kg, xoài keo da vàng 29.000 đồng/kg, xoài Tứ Quý 35.000 đồng/kg, xoài Thái 37.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 53.000 đồng/kg…
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, mỗi ngày chợ đầu mối này nhập trên dưới 200 tấn xoài các loại.
Giá xoài ghép, xoài keo đang ở mức 6.000 – 7.000 đồng/kg, xoài cát chu giá 15.000 đồng/kg, xoài thái xanh 20.000 – 25.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 30.000 – 40.000 đồng/kg. Xoài nhập về chợ đầu mối Thủ Đức chủ yếu được trồng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và tỉnh Đồng Nai.
Giá xoài tại các siêu thị vẫn ở mức cao, trong khi người nông dân bán xoài cho thương lái với giá rất rẻ. Ảnh: Đại Việt |
Trước đó, vào giữa tháng 4/2020, hàng ngàn chuyến xe chở nông sản, trái cây như xoài, thanh long, dưa hấu… đã bị kẹt lại ở các tuyến cửa khẩu phía Bắc.
Chính vì vậy, Bộ Công thương đã đề nghị các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi cần chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa. Tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, không đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các chợ, không rõ đối tượng mua hàng, nhận hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn mác… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía Trung Quốc và tạo thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới.
Đối với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị cập nhật thường xuyên diễn biến giao nhận hàng hóa, đặc biệt trong trường hợp phía Trung Quốc có chính sách phát sinh tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, không vì mục tiêu giải tỏa ùn tắc hàng hóa mà coi nhẹ các yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND một số tỉnh biên giới làm việc với phía Trung Quốc để bảo đảm lưu thông thương mại quốc tế trên cơ sở thực hiện tốt và đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
(Theo Dân trí)