Thống kê 6 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng tại TP HCM ghi nhận doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm 2019.
Mua sắm online tăng mạnh
Trong đó, kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng vượt bậc dù các DN chỉ mới thật sự tham gia thị trường online từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát lần 1, người tiêu dùng hoang mang và có tâm lý tích trữ nên doanh số bán hàng qua online đã tăng trưởng tốt. Ở lần tái bùng phát hiện nay, người tiêu dùng đã có kinh nghiệm và tâm lý vững vàng hơn. "Mặc dù vậy, doanh số bán hàng qua online vẫn tăng trưởng do người dùng đã quen thuộc việc mua hàng online tại website của Sài Gòn Food và các trang thương mại điện tử (TMĐT) mà Sài Gòn Food phối hợp bán hàng" - bà Lâm nêu và cho biết thêm với kênh bán hàng trực tuyến, công ty luôn đưa ra các chương trình mua hàng hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Tỉ lệ khách hàng mua sắm qua kênh thương mại điện tử tăng nhanh từ đầu năm đến nay Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại diện sàn TMĐT Tiki cho biết kể từ khi xuất hiện thông tin các ca nhiễm Covid-19 mới tại TP Đà Nẵng, Tiki ghi nhận sự tăng nhanh về nhu cầu đối với các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là lượng đặt hàng khẩu trang tăng 12 lần, nước rửa tay tăng 2 lần so với trước đó. Các mặt hàng khác ở nhiều nhóm ngành cũng tăng trưởng khá. Trong đó, được tìm kiếm nhiều nhất là các loại máy lọc không khí; thiết bị hỗ trợ nấu nướng; các loại sách giáo khoa - giáo trình, kiến thức tổng hợp, lịch sử, học ngoại ngữ; các sản phẩm thức uống đóng chai và đóng hộp; các sản phẩm giặt và tẩy rửa; thẻ điện thoại; bảo hiểm ung thư... Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, thông tin trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Shopee ghi nhận nhu cầu tìm kiếm thông tin của người tiêu dùng đối với một số sản phẩm đã tăng. Shopee cũng đã chủ động làm việc với các thương hiệu, nhà bán hàng nhằm mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực nhập cuộc
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng buộc các DN phải đẩy nhanh lộ trình đầu tư, vận hành mảng thương mại trực tuyến. Điển hình là hệ thống siêu thị bán sỉ MM Mega Market phải đưa vào vận hành website bán hàng sớm hơn kế hoạch và tích cực quảng bá. Kết quả là từ khi dịch bùng phát trở lại thì tỉ lệ khách đặt hàng trên website tăng đáng kể. "Website đang trong quá trình cập nhật nên chưa đầy đủ các mặt hàng, trước mắt, công ty đưa lên đó những mặt hàng đang bán chạy nhất của hệ thống. Các mặt hàng còn lại sẽ lần lượt được giới thiệu với khách hàng trực tuyến trong thời gian tới" - đại diện MM Mega Market Việt Nam cho hay.
Ông Nguyễn Châu Huy, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Saigon Co.op (Saigon Co.op Media) - sở hữu kênh bán hàng trên truyền hình HTV Home Shopping, cho hay trước thực trạng người tiêu dùng giảm chi tiêu cho mảng sản phẩm không thiết yếu, công ty đang có định hướng tập trung tiếp thị các mặt hàng nhu yếu phẩm. Cùng với đó là đẩy mạnh quảng cáo, bán hàng qua website và fanpage. "Từ đầu năm nay, chúng tôi đã tham gia bán hàng trên một số trang TMĐT như Sendo, Tiki; sắp tới sẽ triển khai thêm trên một số trang khác" - ông Huy tiết lộ.
Website speedl.vn của Lotte Mart Việt Nam bắt đầu tăng trưởng từ tháng 11-2018 sau 1 năm xây dựng nhưng phải đến thời điểm bùng dịch lần 1 (tháng 3 ở TP HCM, Hà Nội) và lần 2 (tháng 7 ở Đà Nẵng) mới có được sự tăng trưởng đột biến. Đại diện Lotte Mart Việt Nam cho hay xu hướng khách hàng tăng mua sắm qua mạng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên rất nhiều nhóm sản phẩm tiêu thụ mạnh, bao gồm cả hàng tươi sống, sữa, mì, bánh kẹo lẫn giấy vệ sinh, giặt tẩy... Công ty phải tăng gấp đôi nhân sự cho mảng online nhưng có thời điểm vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu khách.
Theo Lotte Mart, trước đây việc bán hàng tươi sống qua mạng gặp một số trở ngại do yêu cầu đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhưng đến nay, vấn đề này đã được khắc phục, tỉ lệ khách hàng mua thực phẩm tươi sống online ngày càng tăng. Lotte Mart cho biết đã nhận được phản hồi tích cực của khách hàng về đóng gói sản phẩm, đặc biệt là chất lượng hàng tươi sống. Nhà bán lẻ này đang hướng tới đa dạng hóa và đẩy mạnh chất lượng hàng tươi sống trên kênh online, tiếp tục xây dựng và đào tạo đội ngũ vận hành và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, mở rộng liên kết với các đối tác giao hàng bên ngoài để hạn chế thấp nhất việc giao hàng trễ.
Cạnh tranh gay gắt
Theo các DN, chi phí giữa bán hàng trên sàn TMĐT và bán ở kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng) không chênh lệch nhiều và cạnh tranh trên TMĐT khốc liệt không thua gì ở thị trường truyền thống. Chi phí cho marketing ở kênh bán hàng đang nổi này cũng không hề thấp. Hiện đang có cuộc chiến về giá trên "chợ mạng" mà lợi thế thuộc về bên nào có giá tốt nhất. "Chúng tôi đang cố gắng để có giá cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó là đẩy mạnh quảng cáo để tăng tần suất hiện diện trên trang chủ của website bán hàng, có như vậy mới đẩy doanh số online lên nhanh" - ông Nguyễn Châu Huy nói.
Các sàn TMĐT cũng thừa nhận sự cạnh tranh gay gắt của các nhà bán hàng trên sàn để có vị trí đẹp và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Bản thân các sàn cũng không ngừng tung ra các gói quảng cáo để nhà bán hàng lựa chọn nhằm tăng tương tác với khách hàng. Sau một thời gian tăng tương tác qua các công cụ, được khách hàng tìm kiếm nhiều, gian hàng sẽ được hiển thị miễn phí trên trang bán hàng.
Chẳng hạn, Tiki có dịch vụ quảng cáo TikiAds giúp các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng với hiệu quả cao nhất về mặt doanh thu. "Khi tham gia TikiAds, sản phẩm của các thương hiệu và nhà bán hàng sẽ có cơ hội hiển thị lên các vị trí hot ở trang chủ, trang tìm kiếm, trang ngành hàng và chi tiết sản phẩm ở mọi nền tảng của Tiki, bao gồm website, mobile web và mobile app" - đại diện Tiki thông tin.
Không tiết lộ chi phí mua các gói quảng cáo nhưng đại diện một sàn TMĐT khác cho biết sàn thường xuyên triển khai các gói quảng cáo dành cho nhà bán hàng tiếp cận khách hàng tiềm năng trong các dịp flashsale (giảm giá lớn). Chi phí cụ thể người dùng phải chi trả phụ thuộc vào từng thời điểm, chiến dịch. Ngoài ra, sàn này cũng ưu tiên "cạnh tranh tự nhiên" bằng việc hiển thị trên trang chủ danh sách các gian hàng mà người dùng tìm kiếm gần nhất hoặc thường tìm kiếm nhất.
Ngân hàng tung nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán trực tuyến
Để thúc đẩy thanh toán online trong bối cảnh dịch Covid-19 tái phát, nhiều ngân hàng (NH) thương mại cũng liên tục triển khai các sản phẩm dịch vụ mới, giảm phí, triển khai định danh trực tuyến (eKYC) với khách hàng...
NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa rút ngắn thời gian đăng ký ứng dụng MyVIB còn 1 phút bằng eKYC và tiến tới áp dụng rộng rãi quy trình này ngay khi pháp lý hoàn thiện. Để khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến, VIB triển khai chương trình ưu đãi lớn nhất năm cho người dùng lần đầu đăng ký ứng dụng MyVIB; ưu đãi miễn phí chuyển tiền và cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất tiền gửi qua ứng dụng... Tại NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), hiện người dùng có thể tải ứng dụng Mobile Banking của NH, đăng ký mở tài khoản iMoney và thực hiện eKYC. NH này đang miễn 100% các loại phí gồm phí quản lý tài khoản, phí dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và nhiều dịch vụ khác áp dụng cho khách hàng đăng ký dùng gói tài khoản HDBank Pro. NH TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ NH điện tử như: Internet Banking, Mobile Banking nhằm hạn chế gia tăng lây nhiễm, phòng chống dịch Covid-19. Hiện các ứng dụng này đã được Eximbank tích hợp nhiều chức năng để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu đa dạng về thanh toán hàng hóa, dịch vụ...
T.Phương