Thời vàng son
Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, người làm nghề phải hội tụ nhiều kỹ năng như kiến thức, ngoại ngữ, khả năng nắm bắt và xử lý thực tế, duy trì tốt mối quan hệ giữa khách và các điểm đến… Ngoài ra, họ còn phải có duyên ăn nói cũng như có sức khoẻ tốt để có thể chịu đựng công việc với cường độ cao. Bù lại, thu nhập của các hướng dẫn viên thuộc loại cao nhất trong ngành du lịch.
Anh Đình Dũng - một hướng dẫn viên tôi quen là người có thâm niên hơn 20 năm làm trong nghề du lịch. Vốn xuất thân từ một giáo viên ngoại ngữ, vì đam mê với sự xê dịch và thích tiếp xúc với người nước ngoài, anh chuyển hướng trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Không chọn một công ty du lịch nào đầu quân cụ thể, anh Dũng thích làm một hướng dẫn viên tự do vì anh tự tin vào khả năng của mình. Nhờ lợi thế giao tiếp lưu loát tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha cùng kiến thức rộng, anh thường được các công ty lữ hành mời gọi mỗi khi có khách ngoại quốc đặt tua.
Thời du lịch còn đang thịnh, anh Dũng gần như không có ngày nghỉ. Vừa hết tua này, chưa kịp hạ ba-lô nghỉ ngơi thì lại có người mời đi tua mới. "Mình không nhận thì công ty lại phàn nàn nên có những tháng, mình không được ngủ ở nhà ngày nào vì hết tua lại tua"- Anh Dũng kể. Nhưng để bù lại cho sự xa nhà, vất vả, thu nhập của anh Dũng khá cao. Theo anh Dũng, một hướng dẫn viên giỏi có thể có thu nhập từ 40 triệu tới cả trăm triệu đồng/tháng nếu chăm chỉ, chịu khó.
Anh Mạnh Thắng cũng từ bỏ vị trí phó phòng một công ty kinh doanh nội thất nhập khẩu để đi làm hướng dẫn viên. Có sẵn xe lại có vốn ngoại ngữ, anh Thắng chọn công việc tự tổ chức những citytour (du lịch trong Thành phố) dành cho người nước ngoài. Theo anh Thắng, công việc của anh khá nhẹ nhàng. Sáng đón khách ở khách sạn, chở khách đi tham quan lòng vòng những điểm du lịch nổi tiếng trong Sài Gòn, vừa lái xe vừa kiêm luôn hướng dẫn…
Theo tìm hiểu, những người như anh Thắng rất được các công ty du lịch mời gọi vì họ giảm được chi phí tua cho khách. Thời điểm những năm 2017, 2018 anh Thắng gần như không có ngày nghỉ vì liên tục theo khách.
Thế rồi… đùng một cái, tất cả những người làm du lịch đều thất nghiệp bởi không có du khách. Anh Dũng kể, các công ty du lịch gần như vỡ trận đột ngột bởi khách hủy tua, các điểm du lịch bắt buộc phải đóng cửa. Những người thiệt thòi nhất là những người làm tự do như anh Dũng, anh Thắng bởi ngoài việc đi tua, họ không có quyền lợi gì với các công ty.
Hướng dẫn viên nhận quà của Chi hội Hướng dẫn viên TPHCM
Những người nghèo mớiTừ những người có thu nhập cao, phút chốc họ trở thành... người nghèo. "Lương không có, bảo hiểm cũng không nốt. Chúng tôi chủ yếu dựa vào thu nhập hàng ngày, nên không có việc là không có thu nhập"- Anh Dũng nói.
Nếu coi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ nhất vào đầu năm 2020 là một cú đánh cực nặng giáng vào ngành du lịch, thì những cơn bùng phát lần sau tiếp tục là những cú đánh bồi chí mạng vào ngành du lịch nói chung, hướng dẫn viên nói riêng.
Ngành du lịch gần như bị "knock out" (hạ gục) hoàn toàn bởi những cú đánh như thế. Những người làm du lịch nhỏ lẻ, đội quân đông nhất của ngành du lịch như làm dịch vụ vận tải, hướng dẫn viên, tiếp tân, phục vụ khách khu du lịch, các điểm nghỉ dưỡng là những người mất thu nhập đầu tiên, trở thành những… người nghèo mới trong xã hội.
Để mưu sinh, "những người nghèo mới" xoay xở đủ cách trở thành người bán hàng rong, người gia nhập đội quân tài xế xe công nghệ, người đi tư vấn bảo hiểm hay tư vấn bất động sản… toàn những nghề bấp bênh, cực nhọc và thu nhập không ổn định.
Theo Chi hội Hướng dẫn viên TPHCM, đặc thù của ngành du lịch là ngoài những hướng dẫn viên cơ hữu thuộc công ty, còn một số lượng rất lớn các hướng dẫn viên tự do, chỉ ký kết hợp đồng vụ việc với các công ty lữ hành. Một hướng dẫn viên có thể ký kết hợp đồng công việc với nhiều công ty và khi kết thúc tua thì hợp đồng đó kết thúc. Vì vậy, để một hướng dẫn viên tự do chứng minh là mất việc hoặc có hợp đồng lao động ngắn hạn hay dài hạn sẽ rất khó. Thế nên, trong danh sách xin trợ cấp, hướng dẫn viên cũng không thể có tên bởi họ không thể chứng minh là… mất việc.
Chị Việt Hương - đại diện Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM chia sẻ, hiện Thành phố có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch và đa phần họ đều lựa chọn làm tự do. "Tới thời điểm này, hầu hết các hướng dẫn viên đều bươn chải, sống bằng nghề khác. Rất nhiều người hiện đang gặp khó khăn vì họ là lao động chính trong nhà nên để tồn tại, họ phải làm nhiều nghề kiếm sống" - chị Hương nhìn nhận.
Cũng theo chị Hương, khi thất nghiệp, đa số các hướng dẫn viên đều chọn công việc mới phù hợp với đặc thù hướng dẫn viên của họ như bán hàng online, đi giao hàng hay chạy xe công nghệ. Nhưng thời buổi khó khăn, ai cũng lựa chọn công việc đó nên "miếng bánh" thu nhập của họ bị chia nhỏ.
"Thời gian qua, Chi hội đi khảo sát và tổ chức 2 đợt hỗ trợ cho hướng dẫn viên. Tuy giá trị quà không cao, nhưng chúng tôi trao tặng với mong muốn thể hiện sự quan tâm của Chi hội tới anh em hội viên và mong muốn trong gian đoạn khó khăn nhất, họ cố gắng vượt qua để chờ ngày trở lại"- chị Hương nói.
Giấc mơ ngày trở lại
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các hướng dẫn viên đều khẳng định công việc hiện nay của họ chỉ mang tính thời vụ, ai cũng mong dịch sớm qua đi để họ trở lại với nghề yêu thích. Những người làm hướng dẫn viên vốn dĩ quen với việc xách vali lên và đi, công việc có tính năng động nên giờ bị bó buộc với những công việc mang tính cố định, ít ai thích làm.
Để hỗ trợ cho hội viên, Chi hội Hướng dẫn viên TPHCM đã tổ chức các lớp tư vấn về kỹ năng bán hàng online, lớp dạy nghề pha chế để mỗi người có thể tự mở điểm kinh doanh… Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, chương trình nâng cao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho hướng dẫn viên vẫn được tổ chức thường xuyên.
"Dù trong hoàn cảnh nào, các hướng dẫn viên vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày sau đại dịch. Điều làm chúng tôi vui là các anh em hướng dẫn viên rất tích cực tham gia các chương trình vì ai cũng tin toàn xã hội sẽ vượt qua được khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường"- đại diện Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM gửi gắm.