Gia đình ông Be đã có gần 50 năm gắn bó nghề làm lưỡi câu theo kiểu cha truyền con nối và là hộ thâm niên nhất trên xóm “lưỡi câu” này. Hiện nay, phường Mỹ Hòa đang có trên 180 hộ dân với gần 800 lao động thường xuyên làm lưỡi câu với mức thu nhập từ 120.000 - 140.000 đồng/người/ngày tùy theo công đoạn sản xuất. Bình quân mỗi hộ gia công từ 40.000 đến 50.000 lưỡi câu/ngày.
Gia đình ông Be còn đầu tư trên 15 máy dập, máy mài, máy uốn lưỡi câu cho một số hộ gia công tại nhà với giá mỗi máy từ 8 - 15 triệu đồng. Mỗi ngày ông Be đi thu lưỡi câu “thành phẩm” từ các cơ sở gia công rồi bán lại cho thương lái tại Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Đồng Tháp, miền Trung, miền Đông Nam Bộ, Campuchia... Trừ hết các khoản chi phí, ông Be còn lãi từ 700.000 - 800.000 đồng/ngày. So với mấy năm lũ kém, năm 2017, tiền lời từ nghề làm lưỡi câu của gia đình ông Bé tăng khoảng 30%.
Chị Nguyễn Thị Thu - người đã có trên 30 năm làm lưỡi câu nói thêm: “Nghề này tuy không thu nhập không nhiều nhưng được cái có công việc quanh năm; vừa làm lưỡi câu vừa có thể quán xuyến việc gia đình, phù hợp với phụ nữ và trẻ em trong xóm, ấp”.
Theo nhiều người dân ấp Tây Khánh B, mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) là mùa cao điểm của nghề làm lưỡi câu. Trong ấp, nhà nhà, người người nhộn nhịp lao động. Năm nay, khí thế làm lưỡi câu bắt đầu sớm hơn 1 tháng do lũ về sớm.
Nghề làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa tồn tại đã hơn 50 năm và được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2007. Sản phẩm lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng chắc, bền, nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt cá trên đồng nước, trên sông và trên biển của ngư dân nên rất được nhiều người ưa chuộng. /.
Bình quân, mỗi lao động xóm lưỡi câu Tây Khánh B, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên (An Giang) có thu nhập 120.000-140.000 đồng/ngày. ảnh: Anh Thư