Thời gian qua một số dự án tại Mê Linh (Hà Nội) xuất hiện nhiều thông tin tăng giá, có dự án tăng giá 60-80% so với năm 2020 dù thực tế dự án đắp chiếu mọc đầy cỏ dại cả thập kỷ.
Thông tin sốt đất tại một số khu vực ở Mê Linh xuất hiện vài tháng nay khi có tin đồn một số dự án của các chủ đầu tư lớn sắp được triển khai, cùng với đó là tin đồn thị trường chuẩn bị đón nhiều “ông lớn” bất động sản vào đầu tư sau quá trình mua bán chuyển nhượng.
Điển hình như tại xã Tiền Phong, khu đô thị Cienco 5 giá các lô đất nằm ở tuyến đường trục chính, đường lớn được rao bán dao động 40-45 triệu đồng/m2. Các lô ở vị trí khác, giá dao động từ 21-40 triệu đồng/m2 tăng 60-80% so với năm trước.
Mê Linh là địa bàn có số dự án chậm triển khai nhiều nhất tại Hà Nội trong đó có những dự án "ôm" đất cả thập kỷ |
Tại dự án Diamond Park, khu đô thị Tiền Phong Mê Linh, Khu đô thị Hà Phong, Chi Đông... giá rao bán các lô đất nền cũng được đẩy từ mức trên dưới 10 triệu đồng /m2 lên 17-25 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí.
Một dự án khác được giới thiệu sát bên trục đường lớn kéo thẳng vào khu đô thị Vườn hoa Tiên Phong của một tập đoàn lớn, shophouse cũng được rao bán lên tới 40 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, có mặt tại Mê Linh những ngày qua, khảo sát tại đây cho thấy, nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn cửa đóng then cài. Nhiều dự án đã triển khai cả chục năm đến nay vẫn trong cảnh hoang vắng, cỏ dại mọc kín được người dân làm chỗ chăn thả trâu bò.
Nhiều căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội) |
Chỉ về phía dự án Cienco 5, một người dân thôn Ấp Giữa, xã Tiền Phong cho biết, ông chăn thả trâu bò mấy năm nay quanh các dự án ở đây chỉ lác đác mấy nhà ở mặt đường lớn là có chủ còn lại cỏ xanh mọc um tùm.
“Mấy năm nay giá vẫn loanh quanh 12 – 13 triệu/m2, mặt đường thì cao hơn. Tôi không biết sốt đất ở đâu chứ ở đây lâu rồi cũng không có khách đến xem” – người dân nói.
Ông Anh Minh – đại diện một sàn giao dịch tại xã Tiền Phong cũng khẳng định không có hiện tượng sốt đất như đồn thổi. Theo ông Minh ở Mê Linh, giá có biến động thì chỉ nằm ở những khu vực giáp các khu công nghiệp như ở Khu công nghiệp Quang Minh nhưng cũng không tăng nóng hay đến mức “bỏng tay”.
Lãnh đạo xã Tiền Phong, huyện Mê Linh khẳng định không có chuyện giá đất tăng nóng thời gian qua |
“Đất ở một số dự án bỏ hoang tại xã Tiền Phong cả chục năm nay khó bán vì đất đó theo quy định phải xây dựng nhà thô xong mới có thể làm được sổ đỏ, nên ít ai dám mua” – ông Minh cho hay.
Thực hư giá đất "nóng bỏng tay"
Có thể thấy, so với các khu vực nóng sốt như Đông Anh, Thạch Thất... giá đất ở Mê Linh đang ở tầm trung tuy nhiên đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường Mê Linh trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng còn phải chờ khó có thể tạo sóng trong ngày một ngày hai.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho rằng, thị trường đang vướng những bài toán khó gỡ về vấn đề pháp lý và quy hoạch.
Theo ông Toản, khi Mê Linh chuyển từ Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội cách đây hơn chục năm ở đây đã bùng lên cơn sốt đất nhưng chỉ có vài dự án có quy hoạch 1/500 - loại quy hoạch chi tiết xây dựng là cơ sở để có thể lập nên các dự án xây dựng với đầy đủ các giấy tờ được cấp phép từ các nhà quản lý đầu tư xây dựng. Trong khi đó, các chủ đầu tư tại Mê Linh khi đó đa phần đều là năng lực kém, không có tiền triển khai hạ tầng nhưng rất nhiều đất nền đã được bán cho khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn.
“Các hợp đồng này thường ghi nhận giá gốc rất thấp nhưng tiền thu chênh ngoài lại rất cao, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư nếu mua lại dưới dạng chuyển nhượng hợp đồng này khoản tiền chênh hàng tỷ đồng sẽ không biết làm thế nào để đòi lại khi phát sinh tranh chấp” – ông Toản nói.
Nhiều nhà đầu tư nhận định dù giới đầu cơ đang nỗ lực thổi giá bất động sản Mê Linh nhưng khó thành |
Đánh giá về phát triển hạ tầng tại Mê Linh, nhà đầu tư cho rằng, ngoài trục đường cầu Thăng Long, gắn kết giữa Mê Linh với Hà Nội thì các tuyến đường khớp nối với các trục hướng tâm Hà Nội này vẫn còn nằm trong quy hoạch.
Theo quy hoạch, Mê Linh được kết nối trực tiếp với Hà Nội qua 2 cầu là Hồng Hà (đường Vành đai 4) và cầu Thượng Cát (đường Vành đai 3,5) nhưng vừa qua Hà Hội đã thông báo dừng triển khai 82 dự án BT, trong đó có 2 dự án BT này. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc trong việc đầu tư tại đây. Bên cạnh đó, giới đầu tư đánh giá hiện tại các dự án bất động sản ở khu vực này chưa hoàn thiện kết cấu khung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ bỏ qua vì khả năng hồi vốn và sinh lời quá lâu.
Trước thông tin giá đất Mê Linh sốt nóng trong thời gian qua, trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cho biết, xã có nắm được thông tin này và khẳng định “không có chuyện giá đất ở xã đang tăng giá”. Để tránh tình trạng sốt đất ảo, xã đã từng cho mời hết các chủ sàn giao dịch, điểm tư vấn bất động sản trên địa bàn để nhắc nhở hoạt động theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra hiện tượng “sốt ảo” trên địa bàn.
Đại diện phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh cũng xác nhận, thị trường bất động sản tại Mê Linh đang bình thường, không có bất kỳ sự biến động nào và đưa ra khuyến cáo người dân nên thận trọng với thông tin sốt đất ảo.
Mê Linh là địa bàn có số dự án chậm triển khai nhiều nhất tại Hà Nội với 47 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án, tổng diện tích khu dự án là gần 2.000 ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên. Ngày 3/6/2021, UBND huyện Mê Linh có văn bản số 1279 yêu cầu tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng…, nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. |
Huỳnh Anh