Chiều 3.1, một chủ nhà hàng (Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho hay vừa mua được 3 con cá quý hiếm với trọng lượng khủng. Đó là cá trà sóc nặng tới gần 40kg mỗi con.
Cá trà sóc có 3 loài thuộc giống Probarbus (P.jullieni, P.labeaminor, P.sp); thân thon dài, hơi dẹp bên.
Về đặc điểm: Cá trà sóc có đầu rộng, mõm tròn, mắt có màu đỏ, kích thước trung bình, hơi lệch lên phía trên của đầu. Đặc biệt, loài "thủy quái" này có 2 đôi râu, râu hàm dài bằng đường kính mắt, râu mõm ngắn hơn. Ngoài ra, cá trà sóc có vảy rất to, đường bên liên tục, thẳng, chấm dứt ở giữa cuống đuôi.
Vẩy cá với kích thước "khủng", gần có đường kính bằng lòng bàn tay một người lớn
Mặt lưng cá có màu nâu nhạt, bụng trắng. Trên thân có 6, 7 sọc đen chạy dọc từ sau nắp mang đến gốc vây đuôi. Vây đuôi xám nhạt, các vây khác màu hồng nhạt.
Chúng rất dễ nhận dạng bởi những chiếc sọc đen
Theo người quản lý nhà hàng, con cá được mua lại từ một thương lái người Campuchia sau đó bảo quản cấp đông đưa về Việt Nam.
Cá có kích thước lớn, có thể đạt chiều dài tối đa 150 cm và cân nặng 70 kg. Cá phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia và ở các sông lớn ở miền Nam, Việt Nam như thượng lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Tây.
Mỗi chú cá trà sóc có chiều dài khoảng 1,3m
Theo một số chuyên gia thủy sản, đây là loài cá trà sóc quý hiếm rất khó bắt được, cách duy nhất để có được chúng đó là phải dùng cần câu "cỡ đại". Đặc biệt, trong thời điểm này, việc "truy tìm tung tích" của loài cá hiếm này cũng rất khó.
Môi trường sống lý tưởng nhất của cá trà sóc là những lưu vực sông nước chảy xiết, có nhiều thác ghềnh... Vào đầu mùa mưa hàng năm, chúng thường ra khỏi nơi trú ẩn, di cư ngược dòng lên thượng nguồn tìm kiếm thức ăn. Hiểu biết được tập tính này, người dân sinh sống ở 2 bên bờ sông Sê San đã đi săn bắt cá trà sóc bằng nhiều cách.
Được biết, năm 2013, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ tiến hành thực hiện đề tài cấp nhà nước "Thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá trà sóc". Đề tài đã lựa chọn được 102 cá bố mẹ từ các ngư dân, hộ nuôi cá cảnh. Thành công của đề tài đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn một nguồn gen cá quý của sông Mê Kông và khai thác chúng phát triển kinh tế - xã hội.
Cá trà sóc là loài có kích thước lớn, thịt ngon, có giá trị kinh tế cao. Đây là đối tượng nuôi rất kinh tế của nhiều quốc gia, hiện nay do việc khai thác quá mức đã làm cho loài này ngày càng giảm. Với thành công nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, cá trà sóc đang là đối tượng nuôi tiềm năng mang lại lợi nhận cao.
Cá trà sóc là loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, được xếp vào danh sách các loài cá sông quan trọng ở hạ lưu sông Mê Kông và cần được bảo vệ. Cá trà sóc được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) và Danh Mục Đỏ của IUCN năm 1994. Việc hoàn thiện quy trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm loài cá này giúp giảm áp lực khai thác tự nhiên. |