Trên thế giới, lý thuyết giá nông sản có tính chu kỳ: tăng trong giai đoạn gieo trồng và giảm trong giai đoạn thu hoạch đã có từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, theo sự phát triển của các Sở Giao dịch hàng hóa tập trung, lý thuyết này không còn chính xác nữa. Ngày nay, giá tăng hay giảm sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cung và cầu trên thị trường và tính chu kỳ không còn có thể nhìn thấy một cách rõ ràng.
Trong ngành kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Việt Nam, hai từ "chu kỳ" vẫn luôn được nhắc đến như một sự hy vọng giá nguyên liệu sẽ giảm xuống trong giai đoạn cuối năm 2021 này. Nhưng cho đến ngày cuối cùng của quý III, giá vẫn đang neo ở các mức cao. Đóng cửa ngày 29/09/2021, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên Sở Chicago tăng 1.2% lên mức 212.19 USD/tấn và giá khô đậu tương tăng thêm 0.5% lên mức 376.1 USD/tấn. Đây đều là các vùng giá cao trong lịch sử.
Giá nông sản vẫn đang cao hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái
Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á và nằm trong tốp đầu thế giới về sản lượng TĂCN, nhưng trên thực tế nguồn cung nguyên liệu lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đã đạt mức 3 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc không tự chủ được nguồn cung khiến cho ngành chăn nuôi nước ta vốn đã bấp bênh về đầu ra, nay còn gặp khó khăn đối với giá đầu vào.
Giá ngô thời điểm cao nhất trong năm nay đã đạt mức 250 USD/tấn trên Sở Chicago vào hồi đầu tháng 5. Mặc dù đã hạ nhiệt hơn nhưng so với cùng kì năm ngoái, giá ngô đã tăng tới gần 30%. Hai mặt hàng còn lại làm nguyên liệu trong TĂCN là lúa mì và đậu tương cũng trải qua mức tăng từ 20% đến 30% trong cùng giai đoạn.
Nguyên nhân cho đà tăng này là sự kết hợp của sự thắt chặt nguồn cung và tăng lên của nhu cầu. Theo đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho sản lượng ở một số quốc gia sản xuất lớn sụt giảm mạnh. Hiện tượng thời tiết La Nina xảy ra vào cuối năm 2020 đã kéo theo hàng loạt hệ luỵ theo sau đó. Bắt đầu từ giai đoạn gieo trồng đậu tương niên vụ 2020/21 ở Brazil bị trì hoãn do hạn hán dẫn tới vụ ngô thứ 2 ngay sau đó tại quốc gia này trải qua khung thời tiết hoàn toàn bất lợi. Độ ẩm thiếu hụt cùng với các đợt sương giá khiến cho Brazil đánh mất vị thế thứ 2 thế giới khi sản lượng ngô bị cắt giảm tới 16% so với mức kì vọng hơn 100 triệu tấn ban đầu.
Bên cạnh đó, nhu cầu tăng lên đột ngột của Trung Quốc trong hai năm gần đây, cũng là một yếu tố hỗ trợ giá tăng mạnh. Nếu từ trong những năm từ 2019 trở về trước, Trung Quốc chỉ nhập khẩu từ 3 – 5 triệu tấn mỗi năm, chỉ bằng 20% – 35% lượng nhập khẩu của Việt Nam. Thì kể từ năm 2020 trở đi, Trung Quốc đột ngột gia tăng lượng nhập khẩu lên trên 25 triệu tấn và trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn số 1 trên thế giới. Một phần nguyên nhân đến từ nhu cầu bổ sung kho dữ trữ chiến lược của nước này. Nhưng theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nguyên nhân lớn hơn đến từ việc Trung Quốc chịu sức ép tuân thủ thỏa thuận thương mại đã ký trước đó với chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump. Bên cạnh đó là nhu cầu tái đàn lợn sau dịch tả heo châu Phi cũng khiến Trung Quốc cần sử dụng một lượng lớn ngô làm TĂCN. Ba yếu tố này kết hợp lại, khiến nhu cầu tăng lên và nguồn cung thế giới ngày càng thu hẹp lại, khiến giá các loại nông sản đồng loạt tăng mạnh trong thời gian qua.
Giá trong nước tăng mạnh hơn giá thế giới
Ngô là mặt hàng nguyên liệu TĂCN có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất ở nước ta. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô trong 8 tháng đầu năm đạt 6.9 triệu tấn, trị giá trên 1.91 tỷ USD. Giá ngô nhập khẩu trung bình đạt gần 280 USD/tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh hơn so với mức 28% của giá thế giới, bởi giá nhập khẩu về Việt Nam được cấu thành bởi giá Basis và giá trên sở Chicago. Trong đó, giá basis là chênh lệch giữa giá giao ngay và giá tương lai, được tạo ra do khác biệt về thời gian, chất lượng sản phẩm, chi phí giao hàng,…
Việt Nam thường nhập khẩu ngô từ Argentina và Brazil do giá rẻ hơn và chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi trong nước. Các loại ngô khác như của Mỹ, Nam Phi, Ukraine,..không được ưa chuộng do có độ bột cao hơn so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong năm nay, giá Basis tại thị trường Nam Mỹ tăng vọt hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạn hán khiến mực nước các con sông ở Brazil và Argentina xuống mức thấp nhất trong 77 năm, và việc vận tải nông sản từ nông trại tới cảng biển xuất khẩu trở nên khó khăn hơn, khiến chi phí tăng cao. Đối với mỗi tấn ngô nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu mức basis 160 – 180 cents/giạ cao hơn so với giá kỳ hạn tháng 12 trên sở Chicago, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nông sản trong quý IV và rủi ro tiềm ẩn
Không thể phủ nhận một thực tế là các số liệu về xuất khẩu nông sản của Mỹ thời gian gần đây đang cho thấy nhu cầu có thể sẽ không còn mạnh như trước, đặc biệt là khi tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm xuống đáng kể so với cùng kì năm ngoái. Trái ngược với quý IV/2021, khi thị trường hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng đều tăng mạnh và tạo nên cụm từ "siêu chu kỳ tăng giá", thị trường năm nay có phần ảm đạm hơn. Chính vì thế, việc xác định xu hướng giá tiếp theo sẽ phức tạp hơn và phụ thuộc nhiều vào yếu tố nguồn cung. Trong đó, sản lượng nông sản ở Nam Mỹ sẽ là tâm điểm của giới phân tích, nơi Brazil và Argentina đang bắt đầu gieo trồng các mùa vụ ngô và đậu tương mới.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, xác suất xảy ra mô hình thời tiết La Nina tại khu vực Thái Bình Dương vào cuối năm 2021 đã tăng lên mức 70%. Trong 35 năm qua, đã có 3 lần mô hình La Nina xảy ra 2 năm liên tiếp là 2008/09, 2011/12 và 2017/18. Trong thời gian đó, sản lượng ngô và đậu tương tại Nam Mỹ đều rất đáng thất vọng. Thời tiết khô hạn không chỉ ảnh hưởng tới mùa vụ mà còn có tác động tới mực nước sông Parana, con đường xuất khẩu nông sản chính khu vực Nam Mỹ. Nếu La Nina tái xuất hiện đúng như dự báo, mùa vụ ngô và đậu tương ở Nam Mỹ niên vụ 2021/22 có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như năm ngoái. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong kịch bản này, giá nông sản sẽ vẫn neo ở mức cao, thậm chí là tăng trở lại vùng đỉnh nhiều năm trước đó, cho tới khi nguồn cung phục hồi trở lại.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp TĂCN trong nước
Trước tình trạng người chăn nuôi gặp khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất TĂCN. Bên cạnh đó, các giải pháp thúc đẩy việc tự chủ nguyên liệu cũng được kiến nghị.
Để giải quyết tình trạng nguồn cung nguyên liệu trước mắt, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cũng đã thực hiện một số giải pháp hiệu quả như tích cực tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn thay thế như: ngô Ấn Độ, Pakistan, Ukraine,…
Nhận diện nguy cơ rủi ro tăng giá nông sản và có chiến lược, giải pháp quản lý nhằm giảm sự ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro này là điều cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp chăn nuôi thay vì bị động và thả nổi giá đầu vào. Tuy nhiên, dường như mới chỉ có các doanh nghiệp lớn trên thị trường tận dụng được nghiệp vụ Bảo hiểm rủi ro (Hedging) khi giá hàng hoá biến động. Hiện tại, các sản phẩm phái sinh có thể dùng để bảo hiểm giá trong việc nhập khẩu nông sản có thể dùng được là Hợp đồng kỳ hạn (Futures), hợp đồng quyền chọn (Options) và hợp đồng chênh lệch giá (Spread). Mỗi công cụ sẽ phù hợp với nhu cầu và đặc thù của từng doanh nghiệp.
Đầu ra gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu vào bất lợi khi giá tăng cao. Để tránh tình trạng "thiệt đơn thiệt kép" như năm nay, cần có sự chuyển mình đột phá của các doanh nghiệp TĂCN trong nước: chủ động phòng ngừa rủi ro, nắm bắt chuẩn xác xu hướng giá thế giới và từng bước tự chủ nguồn cung.