Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, các ngân hàng thương mại cần không ngừng đẩy mạnh phát triển kỹ thuật số, đẩy mạnh việc mở tài khoản trực tuyến kèm nhiều ưu đãi, lấy khách hàng làm trung tâm. Mục tiêu là 80% người tiêu dùng từ 15 tuổi có tài khoản giao dịch và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt cao gấp 25 lần GDP tới năm 2025.
Bên cạnh các phương thức thanh toán qua POS, ATM, chuyển khoản, Internet, mã QR, các ngân hàng cũng tung ra nhiều sản phẩm thanh toán mới dựa trên nhu cầu và mong muốn trải nghiệm của khách hàng. Theo đó, người dùng có thể dễ dàng sở hữu tài khoản thanh toán mà không cần có mặt tại ngân hàng, không điền hồ sơ giấy, đồng thời được lựa chọn tính năng phù hợp theo sở thích cá nhân.
Để thu hút và tăng lượng khách hàng tham gia thanh toán không tiền mặt, mới đây, Ngân hàng Quốc Tế (VIB), cho ra mắt sản phẩm Tài khoản Digi chọn số tùy ý khách hàng, hoàn toàn miễn phí. Khách hàng có thể chọn số tài khoản theo sở thích như số điện thoại, ngày sinh nhật, hoặc số có ý nghĩa kỷ niệm… Người dùng khởi tạo tài khoản Digi, trong 30 ngày đầu tiên sẽ được nhận hoàn tiền tới 500.000 đồng khi giao dịch. Ngoài ra, khách hàng được miễn 100% các phí giao dịch của VIB, gồm phí chuyển tiền trên app MyVIB của ngân hàng, phí quản lý tài khoản, phí rút tiền bằng Thẻ thanh toán toàn cầu iCard, phí chuyển đổi ngoại tệ trên toàn cầu… Với công nghệ eKYC, khách hàng có thể đăng ký khởi tạo tài khoản Digi hoàn toàn trực tuyến trong vòng 1 phút mà không cần đến quầy giao dịch.
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Nhờ đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong năm qua có sự tăng trưởng mạnh. Theo số liệu từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ 2020, giao dịch thanh toán qua hệ thống liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị, qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số tăng nhanh nhất trong khu vực.
"Đại dịch đã chứng minh ngân hàng kỹ thuật số là cần thiết cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi để tự tin quản lý tài chính của họ. Vì vậy, việc lấy khách hàng làm trung tâm rất quan trọng khi các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng", đại diện VIB cho biết.
Cùng quan điểm với VIB, nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng xu hướng của ngành ngân hàng trong tương lai sẽ xoay vòng trong ba trụ cột. Đó là, "Thông minh", "Tự động toàn diện" và "Cá nhân hóa". Để làm được điều này, hiện nay các ngân hàng đang tập trung đầu tư xây dựng mobile banking app để phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống của khách hàng mà khách hàng không cần phải ra chi nhánh hay đến cây ATM.
Đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng bùng nổ. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Mobile banking đã tăng trưởng từ 42% trong năm 2019 lên gần 70% trong năm 2020 và 2021; hay là Internet banking cũng đã tăng gấp đôi, từ 32% lên đến 72 % trong 2 năm qua.
Xu hướng thanh toán không tiền cũng càng được giới trẻ ưa chuộng, đặc biệt là Gen Z (những người được sinh từ năm 1997 – 2012) và Millennials (Gen Y – những người được sinh từ năm 1981 – 1996). Hai thế hệ người tiêu dùng này được biết đến là những thế hệ lớn lên cùng công nghệ. Khi được hỏi, 97% Gen Z và Gen Y đều trả lời rằng, họ sẽ tiếp tục lựa chọn mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt dù có dịch bệnh hay không, bởi sự hấp dẫn của những tiện ích khi thanh toán kỹ thuật số mang lại, không phải lo lắng về an ninh khi cầm giữ tiền mặt, cũng như khoảng cách về địa lý và thời gian.
Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thanh toán trong thời kỳ đại dịch đã tạo đà cho năm 2022 trở thành một năm quan trọng hơn đối với hệ sinh thái ngân hàng kỹ thuật số, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, xoay quanh nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng.