Các quỹ nhà nước top đầu thế giới quản lý hàng nghìn tỷ USD
Được gọi là Quỹ tài sản có chủ quyền hay Quỹ đầu tư công (SWF), những quỹ này được thành lập từ nguồn tiền được tạo ra bởi các ngành công nghiệp do chính phủ sở hữu. Nếu được quản lý một cách có trách nhiệm và đưa ra một khung thời gian đủ dài, SWF có thể tích luỹ một lượng tài sản khổng lồ.
Dữ liệu thu thập từ SWFI tính đến tháng 10/2021, Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu của Na Uy (còn được gọi là Quỹ Dầu mỏ Na Uy, được quản lý bởi Norges Bank) là SWF lớn nhất thế giới.
Danh sách 10 quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới được liệt kê dưới đây:
Cho đến nay, chỉ có hai SWF vượt qua được mốc tài sản 1.000 tỷ USD. Quy mô tài sản này tương đương với Vanguard Total Stock Market Index Fund (VTSAX) chuyên đầu tư vào các cổ phiếu vốn hoá lớn, trung bình và nhỏ của Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng có SWF chính là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản trên sổ sách của SCIC đạt gần 66.000 tỷ đồng, khoảng 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị thực tế lượng cổ phần mà SCIC đang nắm giữ lớn hơn thế gấp nhiều lần, chỉ riêng phần cổ phiếu trên sàn hiện có giá trị thị trường ước tính gần 9 tỷ USD.
Câu lạc bộ nghìn tỷ USD
Hai quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới có tổng tài sản 2.500 tỷ USD.
Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu (Na Uy) – 1.300 tỷ USD, quản lý bởi Norges Bank
SWF của Na Uy được thành lập khi quốc gia này phát hiện ra dầu ở Biển Bắc. Quỹ thu nguồn thu từ dầu mỏ để bảo vệ tương lai nền kinh tế quốc gia.
Quỹ phân bổ 72,8% vào cổ phần đại chúng, 24,7% vào tài sản có thu nhập cố định và 2,5% vào bất động sản (tại thời điểm 31/12/2020).
Bất động sản có thể là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư, nhưng là thành phần quan trọng để đa dạng hoá (bất động sản ít tương quan với thị trường chứng khoán) và có thể tạo ra thu nhập. Quỹ này đầu tư vào 462 bất động sản ở Mỹ với tổng giá trị 14,9 tỷ USD.
Tại Việt Nam, cái tên Norges Bank là cái tên quen thuộc mỗi khi nhóm Dragon Capital báo cáo giao dịch. Danh mục của quỹ này tại Việt Nam vào khoảng 800 triệu USD.
Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) – 1.200 tỷ USD
CIC là công ty lớn nhất trong số các SWF của Trung Quốc được thành lập để đa dạng hoá việc nắm giữ ngoại hối của quốc gia này.
So với quỹ của Na Uy, CIC đầu tư vào nhiều loại hình tài sản thay thế hơn, bao gồm cả bất động sản, vốn cổ phần tư nhân, tín dụng tư nhân và quỹ đầu cơ.
Trọng tâm chính của CIC là tăng cường tiếp xúc với cơ sở hạ tầng và sản xuất tại Mỹ. Đến cuối năm 2020, 57% quỹ được đầu tư vào Mỹ.
Tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam?
Thời gian gần đây, Việt Nam công bố nhiều thương vụ quy mô tương đối lớn của các quỹ đầu tư có chủ quyền vào các tập đoàn hàng đầu đất nước.
Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Temasek và GIC của Singapore, các động thái gần đây cho thấy các tỷ phú Việt bắt đầu tìm kiếm đến khu vực Trung Đông.
Masan Group vừa ký kết giao dịch với các nhà đầu tư bao gồm TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi – ADIA) và SeaTown Master Fund (do công ty con của Temasek Holdings quản lý) cho khoản đầu tư 350 triệu USD vào CTCP The CrownX (TCX).
Temasek là SWF thuộc chính phủ Singapore, quản lý khối tài sản 484 tỷ USD. Trong khi đó, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi có quy mô tài sản quản lý 649 tỷ USD.
Trước đó, Reuters đưa tin Tập đoàn Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm Quỹ chủ quyền Qatar và BlackRock nhằm huy động vốn cổ phần tư nhân giá trị khoảng 1 tỷ USD cho VinFast.
Sự tham gia của các quỹ đầu tư có chủ quyền hàng đầu thế giới vào các thương vụ hàng trăm triệu USD đến tỷ USD cho thấy mức độ phát triển của thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân Việt Nam mà rộng hơn là thị trường đầu tư. Năm nay, lượng vốn đầu tư tư nhân vào Việt Nam đạt mức kỷ lục.