Nhiều thành phố tại châu Á đã và đang có ý định đưa xe bus điện trở thành một phương tiện công cộng trong tương lai gần.
Người dân toàn cầu ngày càng có ý thức về mối quan hệ giữa tiêu dùng cá nhân với ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu. Nhờ đó, nhu cầu về một phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (phương tiện xanh), mà điển hình là xe bus điện cũng tăng lên nhanh chóng.
Dù nhu cầu về phương tiện thân thiện môi trường khá lớn, xe bus điện vẫn chưa xuất hiện ở nhiều thành phố trên thế giới. Châu Á đang là khu vực tiên phong trên thế giới về việc đưa xe bus điện trở thành một phương tiện giao thông công cộng. Việc đưa xe bus vào luồng giao thông được kỳ vọng sẽ thay đổi cách nhìn của người dân toàn cầu về phương tiện di chuyển.
Thị trường xe bus điện đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua và dự kiến sẽ đạt mốc hơn 900.000 chiếc vào năm 2027. Sự tăng trưởng này đến từ việc các thành phố trên khắp châu Á đều đã mua hoặc dự tính mua xe bus điện trong tương lai gần, đặc biệt là Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp cho việc sử dụng xe bus điện, nhiều khu vực tại Trung Quốc cũng đã sử dụng loại phương tiện này như một cách để hiện đại hóa toàn hệ thống phương tiện di chuyển.
Ngoài việc là một trong những thị trường lớn nhất của xe điện, Trung Quốc cũng tiên phong trong việc sử dụng loại xe này với quy mô toàn thành phố. Ví dụ, thành phố Thâm Quyến gần đây đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có 100% xe bus điện.
Không chỉ Trung Quốc thúc đẩy xu hướng sử dụng xe điện, sự phát triển của phương tiện này cũng đang diễn ra khắp châu Á.
Tháng 3 năm nay, Thái Lan cũng đã công bố chính sách đưa nước này trở thành trung tâm xe điện khu vực trong 5 năm tới. Chính phủ Thái Lan nói rằng sẽ có các biện pháp khuyến khích sự phát triển của xe bus điện, taxi, xe máy điện và cả pin. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết đến năm 2030, nước này dự tính sẽ sản xuất ít nhất 750.000 xe điện mỗi năm, chiếm 30% tổng công suất sản xuất ô tô.
Tại thủ đô Islamabad của Pakistan, cuối năm 2019, chính phủ đã triển khai đội xe bus điện đầu tiên của thành phố. Chính phủ Pakistan tin rằng xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo sẽ có chi phí vận hành rẻ hơn so với các phương tiện truyền thống và giảm sự phụ thuộc của đất nước này vào dầu mỏ.
Jakarta, nơi có hệ thống xe bus lớn nhất thế giới, năm 2019 cũng đã thử nghiệm sử dụng xe bus điện như một phương án khả thi để giảm thiểu ô nhiễm do phương tiện công cộng nước này gây ra.
Việt Nam cũng là một phần của xu hướng này. Tháng 9 năm nay, Vingroup đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện tại Hà Nội và TP.HCM theo phương thức đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ công cộng. 10 tuyến xe bus điện dự kiến triển khai tại Hà Nội và 5 tuyến tại TP.HCM. Vingroup sẽ đầu tư xây dựng 3 khu depot hậu cần kỹ thuật tại Khu đô thị Smart City, Ocean Park, Grand Park.
Tuy nhiên, để đưa xe bus điện vào sử dụng trên thực tế, đòi hỏi phải tạo ra cơ sở hạ tầng tiên tiến và đầy đủ. Thâm Quyến đã phải xây dựng hơn 40.000 trạm sạc trong thành phố. Đây là một trong những giới hạn lớn nhất khi áp dụng xe bus điện trên thực tế.
Nhu cầu của công chúng đối với phương tiện giao thông sử dụng điện có thể sẽ tiếp tục tăng - đặc biệt là khi mọi người có ý thức hơn về ô nhiễm và biến đổi khí hậu hơn. Những đổi mới sáng tạo trong công nghệ từ khu vực châu Á sẽ là các bước tiến quan trọng nếu các thành phố lớn khác trên thế giới cũng muốn đưa xe bus điện vào sử dụng.
Xu hướng sử dụng xe bus điện của châu Á cũng nằm trong xu hướng chung của khu vực về phát triển năng lượng xanh trong những năm gần đây. Cuộc cách mạng năng lượng xanh đã được thực hiện trong một thời gian dài nhưng với sự xuất hiện của xe bus điện, lĩnh vực này còn được kỳ vọng có thể phát triển tốc độ nhanh hơn.