Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại một số địa phương, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Nguy cơ nhập khẩu trái phép, nuôi trồng, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam khá cao do nhận thức chưa đầy đủ về khả năng gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài nguyên và môi trường có kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép các loài ngoại lai xâm hại theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan (đặc biệt là lực lượng hải quan cửa khẩu) chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông về tác hại của loài ngoại lai xâm hại và quy định của pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết, thực hiện.
Theo Thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tháng 2/2019, danh mục loài ngoại lai gồm 19 loài và danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục loài ngoại lai xâm hại gồm 19 loài thuộc 6 nhóm sau:
Nhóm vi sinh vật gồm: Nấm gây bệnh thối rễ; vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật; vi rút gây bệnh chùn ngọn chuối; vi rút gây bệnh cúm gia cầm.
Nhóm động vật không xương sống gồm: bọ cánh cứng hại lá dừa; ốc bươu vàng; ốc sên châu Phi; tôm càng đỏ.
Nhóm cá gồm: Cá ăn muỗi; cá tỳ bà bé (cá dọn bể); cá tỳ bà lớn (cá dọn bể lớn).
Nhóm lưỡng cư - bò sát có: Rùa tai đỏ.
Nhóm chim - thú có: Hải ly Nam Mỹ.
Nhóm thực vật gồm: Bèo tây (bèo lục bình, bèo Nhật Bản); cây ngũ sắc (bông ổi); cỏ lào; cúc liên chi; trinh nữ móc; trinh nữ thân gỗ (mai dương).
Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài thuộc 5 nhóm. Trong đó, 23 loài thuộc nhóm động vật không xương sống như: Bướm trắng Mỹ, cua xanh, sán ốc sên…; 9 loài thuộc nhóm cá như: Cá chim trắng toàn thân, cá hổ, cá hồi nâu…; 4 loài thuộc nhóm lưỡng cư - bò sát gồm: Ếch ương beo, cóc mía, ếch Ca-ri-bê, rắn nâu leo cây; 4 loài thuộc nhóm chim - thú gồm: Chồn ecmin, dê hircus (dê), sóc nâu, sóc xám, thú opốt và 21 loài thuộc nhóm thực vật như: Bèo tai chuột lớn, cây cúc leo,…