Xử lý nợ xấu: Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

10/07/2019 12:26
Theo NHNN Việt Nam, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu...

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%, giảm mạnh so với mức hơn 2% tại thời điểm cuối quý I/2019, đồng thời đã đạt mục tiêu mà NHNN đề ra là đưa nợ xấu về dưới 2% trong năm nay.

Xử lý nợ xấu: Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ - Ảnh 1.

Nhờ quyết liệt xử lý, đến nay nợ xấu của Vietcombank ở mức thấp nhất hệ thống


Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tiếp tục được cải thiện. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.

“Đến bây giờ tổng nợ xấu toàn hệ thống đã đưa về mức 5,3- 5,4%. Phấn đấu trong năm nay tất cả các khoản nợ xấu tiềm ẩn không về nợ xấu sẽ cố gắng đưa về mức 5% như mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Xa hơn, phấn đấu đến năm 2020 đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%. Dù thời gian qua toàn hệ thống đã rất nỗ lực nhưng để đạt được mục tiêu trên phải phấn đấu quyết liệt và tập trung xử lý trong thời gian tới”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Mục tiêu trên theo đánh giá của giới chuyên môn có thể đạt được thậm chí có thể cán đích sớm hơn nếu các vướng mắc về cơ chế trong triển khai Nghị quyết 42 được tháo gỡ kịp thời. Bởi theo chia sẻ của các ngân hàng, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, họ đang gặp phải nhiều khó khăn do các quy định chồng chéo khi xử lý TSBĐ. Trong khi đó, hoạt động thu hồi nợ xấu của VAMC và các TCTD phụ thuộc nhiều vào tốc độ xử lý TSBĐ.

Một lãnh đạo ngân hàng trong khu vực TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước khi Bộ Luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì các TCTD căn cứ quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Trong đó Điều 63 của Nghị định 163 yêu cầu bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho TCTD; nếu bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì TCTD có quyền thu giữ TSBĐ mà không bắt buộc trong nội dung Hợp đồng bảo đảm phải có quy định về quyền thu giữ TSBĐ.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42 lại quy định TCTD có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong đó có điều kiện: Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật. Do đó, khi đối chiếu các hợp đồng bảo đảm tại ngân hàng đã ký kết trước đây nếu hợp đồng nào không có nội dung thỏa thuận quyền thu giữ TSBĐ thì ngân hàng “chịu chết”, không thể áp dụng được quyền thu giữ để xử lý.

“Nếu muốn đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBÐ theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán với bên bảo đảm, bên giữ tài sản ký lại hợp đồng sửa đổi bổ sung Hợp đồng bảo đảm. Thực tế việc đàm phán vô cùng gian nan”, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Thực tế cũng đã xảy ra trường hợp ngân hàng cương quyết thực hiện quyền thu giữ tài sản theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 7 Nghị quyết 42 khi bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao TSBÐ; chủ tài sản bất hợp tác, chống đối hoặc không có mặt theo thông báo và TCTD lập biên bản thu giữ TSBÐ có sự chứng kiến và ký biên bản của đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBÐ.

Tuy nhiên, do Thông tư 24/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBÐ theo quy định tại Ðiều 7 Nghị quyết 42 để xử lý tài sản thế chấp, nên nhiều văn phòng đăng ký đất đai không chấp nhận biên bản thu giữ TSBÐ và từ chối việc đăng ký biến động cho người mua tài sản thế chấp...

Một vấn đề nữa là việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBÐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBÐ của khoản nợ xấu. Mặc dù được kỳ vọng giúp bớt ngân hàng giảm thời gian và chi phí trong việc đeo đuổi giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án, nhưng việc áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế. Theo rà soát sơ bộ, đến nay vẫn chưa có vụ án nào được áp dụng trong thực tế theo hướng dẫn thủ tục rút gọn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc này được lãnh đạo một ngân hàng chỉ ra, đó là sự chậm trễ của Tòa án Nhân dân tối cao sau gần một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực cơ quan này mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) hướng dẫn áp dụng các quy định của Nghị quyết 42. Khi có Nghị quyết 03 rồi việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa không dễ.

Điển hình như việc xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện. Khi vướng nợ nần, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện. Ngoài ra, tòa án cấp dưới chưa mạnh dạn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn vì đây là việc chưa có tiền lệ nên cán bộ bị tâm lý sợ sai sót trong quá trình xét xử.

Những vướng mắc nêu trên theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực đang là vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Do đó, TS. Lực kiến nghị, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trên, nếu chỉ riêng ngân hàng không thể giải quyết được. Những vướng mắc trên nếu sớm được tháo có thể tạo bước đột phá trong hoạt động xử lý nợ xấu, nhờ đó dòng vốn mới với lãi suất hợp lý sẽ chảy nhiều hơn vào nền kinh tế.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho rằng, để lộ trình xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả hơn đến cuối năm 2019 cần đánh giá lại 2 năm triển khai Nghị quyết 42 để tính đến việc Luật hóa xử lý nợ xấu. Hiện tại, VAMC đã tập hợp lại tất cả những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 để báo cáo Thủ tướng.

Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị này đang kỳ vọng sớm thành lập trung tâm mua bán nợ xấu và đưa các khoản nợ được VAMC “gắn mác” chứng nhận đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Tham vọng trở thành trung tâm mua bán nợ xấu được VAMC cụ thể hóa tại kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2019-2023 với lộ trình mục tiêu cụ thể.

Trong năm 2019, VAMC cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung trong đó VAMC là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình, khung khổ pháp lý về sàn giao dịch nợ xấu để thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu trong năm 2020 - 2021…

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
10 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
11 giờ trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
12 giờ trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
iPhone 16 mở đặt cọc, người Việt chọn Thái Lan để mua hàng xách tay giá cao ngất ngưởng
12 giờ trước
Hôm nay (20/9), Apple chính thức mở bán iPhone 16 Series tại các Store chính hãng trên toàn thế giới. Năm nay, ngoài Singapore thì Thái Lan cũng có Store chính hãng mà người Việt có thể chọn mua, nhưng giá máy xách tay ở mức cao.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
12 giờ trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 20/9: Bất ngờ tăng tỷ giá "chợ đen" lấy lại mốc 25.000 đồng
13 giờ trước
Giá USD hôm nay 20/9: Trong nước, tỷ giá "chợ đen" bất ngờ tăng 65 đồng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày hôm qua, lên mức 24.965 - 25.065 VND/USD. Trái lại, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại đồng loạt giảm.
Giá USD hôm nay 19/9: Tỷ giá "chợ đen" lao dốc, bán ra dưới 25.000 đồng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 19/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại thị trường tự do bất ngờ "rơi" 50 đồng ở cả 2 chiều khiến chiều bán chính thức về dưới mốc 25.000 đồng. Hiện thị trường này đang niêm yết ở mức 24.850 - 24.950 VND/USD.
6 phút “chạm” may mắn trên điện thoại với Bingo18
2 ngày trước
“Vừa sáng mua vé dự thưởng, chỉ 6 phút sau đã biết mình trúng thưởng rồi thấy tiền về ngay, tinh thần của tôi rất phấn khởi”, chị Ngọc Bích - một người chơi xổ số Bingo18 chia sẻ.
Giá USD hôm nay 18/9: Tỷ giá "chợ đen" giảm, ngân hàng phục hồi
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 18/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả 2 chiều, xuống mức 24.900 - 25.000 VND/USD. Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết bắt đầu hồi phục khi đồng loạt tăng từ 50 đồng đến hơn 80 đồng so với ngày hôm qua.