Cũng phải mất mấy lần ngấp nghé, kim loại quý mới chính thức vượt ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. Dù có lúc lại để vuột mất ngưỡng này, nhưng đồ thị tăng giá của vàng trong vài tháng gần đây dường như vẫn chưa dừng lại. Đặc biệt, tuần vừa qua là 1 tuần giá vàng biến động rất mạnh.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đã giảm từ 1.434USD/oz xuống tới tận 1.400USD/oz sau khi FED chỉ cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất, đúng như kỳ vọng của thị trường. Song, kim loại quý đã nhanh chóng quay đầu lên mức 1.449USD/oz ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ 1-9 tới.
Giá vàng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Trước động thái này, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế với 300 hàng hóa Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng có thể sớm thách thức 1.500USD/oz.
“Quyết định của ông Trump sẽ làm gia tăng đáng kể vai trò trú ẩn cũng như sự hấp dẫn của vàng. Giá vàng có thể sẽ sớm leo lên 1.500USD/oz nếu như Trung Quốc trả đũa Mỹ”, ông Edward Meir, chuyên gia phân tích cao cấp của INTL FCStone nhận định.
Thận trọng hơn, ông Bart Melek, Trưởng phòng chiến lược của TD Securities cho rằng giá vàng có thể chỉ dao động trong biên độ hẹp từ 1.400 đến trên 1.450USD/oz trong ngắn hạn. Và kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 5 đến 9-8 cũng cho thấy trong số 14 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 13 người (93%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 1 người (7%) dự báo giá vàng sẽ giảm.
Trong khi đó, trong số 886 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 540 người (61%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 229 người (26%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 117 người (13%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang. Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, RSI, Stochastic, ADX… đều đang khá tích cực. Theo đó, nếu vượt qua 1.461USD/oz, giá vàng có thể lên tới 1.470-1.478USD/oz, tiếp đến là 1.500USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể điều chỉnh xuống vùng 1.420- 1.430USD/oz.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng biến động mạnh theo giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã có thời điểm giảm mạnh xuống mức 39,1 - 39,3 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó lại vọt lên mức 39,75 - 40,2 triệu VND/lượng.
Mức giá này, nếu so với thời điểm đầu năm, khi giá vàng ở mức 36,27-36,50 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) thì những người “ôm” vàng được hưởng lãi chênh lệch khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tất nhiên, vì thời gian kéo dài tới 7 tháng nên lợi nhuận thực sẽ chỉ còn khoảng một nửa.
“Song, nếu nhà đầu tư mua vàng kể từ thời điểm giá vàng bắt đầu nổi sóng đến nay là khoảng gần 2 tháng thì lợi nhuận của những người mua vàng là con số đáng mơ ước. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư chớp được cơ hội này, thậm chí nhiều người giữ vàng từ lâu, khi vàng mới lên mức 37-38 triệu đồng đã bán vội nên lợi nhuận không cao”, một chuyên gia về giá vàng phân tích.
Thực vậy, đầu tư vàng tuy thanh khoản cao, nhưng cũng khá bấp bênh. Vậy, nên mua hay bán vàng trong thời điểm này? Liệu kim loại quý có chinh phục mức đỉnh 1.500 USD/oz như các chuyên gia nhận định? Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - “nhắc nhở” 6 tháng đầu năm 2019, giá vàng thế giới tăng 10%, trong khi giá vàng trong nước chỉ tăng 6,3%.
“Trong thời điểm hiện nay, người dân không còn xem vàng là tài sản sinh lời nhanh, bằng chứng là giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua nhưng thị trường không còn cảnh “đổ xô” đi mua bán vàng như trước. Việc đầu tư vàng bây giờ đi vào “thực chất” hơn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định và cho rằng biến động thị trường do những tâm lý về đầu cơ chứ cung cầu thì không thay đổi nhiều.
Ông Hiếu cũng phân tích nếu căng thẳng bị đẩy lên thành cuộc chiến tranh ở Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cùng với tình hình hạt nhân ở Triều Tiên… tiếp tục nóng thì giá vàng có thể sẽ lên tới mức 1.500 USD/oz. Với xu hướng đó thì giá vàng trong nước cũng tăng nên người nào dư tiền có thể đầu tư vàng. Điều quan trọng là không bỏ quá nhiều tiền vào vàng, nếu có tiền nhàn rỗi chỉ dùng 1/3 để mua vàng.