Khi cô Helen Sun nhìn vào cuốn lịch treo tường và nhận ra chỉ còn vài ngày nữa là Tết, một cảm xúc lẫn lộn cuộn trào lên trong tim cô. Một mặt, cô Sun khá háo hức về một kỳ nghỉ dài sum họp cùng gia đình trong khi mặt khác cô, cảm thấy mệt mỏi khi phải trải qua hành trình gian truân để về quê, rồi thăm hỏi họ hàng, chịu áp lực cưới xin từ người thân cũng như những nghi lễ truyền thống rườm rà.
Trên thực tế, một bộ phận rất lớn giới trẻ Trung Quốc ngày nay đang sợ ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm này, tạo nên một hiệu ứng "sợ Tết" lan rộng trong cộng đồng. Việc có quá nhiều lễ tiết, quy củ và văn hóa phải thực hiện thay vì có một kỳ nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình đúng nghĩa đã khiến rất nhiều bạn trẻ ngày nay chán phải về quê dịp Tết.
Số liệu của Chinese Business View (CBV) cho thấy ngày càng nhiều những người Trung Quốc trong độ tuổi 20-40 không muốn về quê dịp Tết. Thay vào đó họ chọn cách hưởng tết cùng bạn bè, đồng nghiệp, người yêu hay đi du lịch. Trong mùa dịch Covid-19, thậm chí nhiều bạn trẻ chấp nhận ở lại thành phố cách ly hơn là về quê.
Câu chuyện bao giờ cưới
"Tôi nên làm gì đây? Chả lẽ tôi cần phải thuê bạn trai để về ra mắt gia đình cho đỡ bị hỏi?" cô Sun than thở với bạn bè trên ứng dụng mạng xã hội.
Câu chuyện muôn thuở về hôn nhân là những điều mà các bạn trẻ rất ghét khi phải đối mặt lúc về quê ăn Tết. Theo văn hóa truyền thống ở nông thôn, việc về quê không có người yêu hoặc chưa cưới thường bị coi là xấu hổ và bị nhiều gia đình thúc giục.
Bản thân cô Sun đã đến Bắc Kinh làm việc được 5 năm kể từ sau khi tốt nghiệp và hiện vẫn chưa có bạn trai. Với sự chăm chỉ, hiện cô Sun đang là kỹ sư cấp cao của một công ty xây dựng quốc doanh nhưng có lẽ cũng vì vậy mà cô chưa kiếm được ai ưng ý. Lần nào về quê cũng là một cực hình khi bị gia đình và người thân hối thúc.
Cô Sun cho rằng việc hôn nhân cần thời gian để tìm thấy người ưng ý và chưa cần quá vội vã, nhưng gia đình cô lại không đồng ý, nhất là khi bạn bè, hàng xóm tại quê cô đã lấy chồng sinh con gần hết. Theo CBV, việc hôn nhân là một trong những lý do hàng đầu khiến rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc ngày nay ngại về quê ăn Tết.
Theo cô Sun, sự khác biệt về quan điểm hôn nhân có lẽ là một trong những yếu tố chính khiến cô cảm thấy miễn cưỡng khi về quê ăn Tết. Điều duy nhất an ủi cô Sun là khi nghĩ về mục đích chính của những lời thúc giục này bởi suy cho cùng, gia đình cũng chỉ lo cho hạnh phúc của cô.
Không riêng gì nguyên nhân gia đình, việc quá đông người về quê mỗi dịp Tết cũng khiến giới trẻ Trung Quốc mệt mỏi. Cở sở hạ tầng có hạn khiến nhiều người phải rất vất vả mới trở về được các vùng quê của mình để ăn Tết.
"Tết là thời gian để đoàn tụ cùng gia đình và tôi không muốn cha mẹ mình ăn Tết một mình", cô Fan Fan, một lao động tại Bắc Kinh suốt 10 năm qua nói.
Mỗi độ xuân về là một hành trình về quê rồi quay lại thành phố làm việc vất vả của hàng triệu người Trung Quốc
Dẫu vậy, bản thân cô Fan cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải tranh giành mua vé cũng như mang vác đồ về quê.
"Mọi chuyện cứ như chúng tôi đang phải tham gia chiến tranh vậy. Tôi phải cố để mua được vé tàu, rồi phải chen chúc qua đám đông với cả túi đồ lỉnh kỉnh để ổn định chỗ ngồi. Mỗi lần nghĩ đến cảnh phải cạnh tranh nhau về quê mà tôi lại thấy chán nản", cô Fan thừa nhận.
Đó mới chỉ là chiều về, khi hết Tết và mọi người đổ xô trở lại thành phố làm việc, một cuộc "di cư" tiếp tục diễn ra khi mọi tuyến đường giao thông tắc nghẽn. Hàng đàn dài ô tô chờ xếp hàng trên các con đường đổ về thành phố.
Tiền thi không có nhưng vẫn phải lì xì
Bên cạnh sự mệt mỏi khi cố gắng tìm được về quê cũng như quay trở lại thành phố làm việc, giới trẻ Trung Quốc còn gặp áp lực về vấn đề lì xì hay báo cáo sự nghiệp bản thân.
"Khi trở về quê, cha mẹ và họ hàng sẽ hỏi về tình hình sự nghiệp của tôi, rồi tôi phải lì xì cho những đứa cháu nhỏ. Điều này khiến tôi lo lắng bởi chẳng có nhiều tiền cho lắm. Tôi còn phải chi trả tiền sinh hoạt trên thành phố cũng như các khoản chi phí khác. Đến cuối năm, tôi hầu như chẳng còn đồng nào để tiết kiệm cả", cô Emily Liu, 25 tuổi đã làm việc 2 năm ở Bắc Kinh nói.
Mặc dù có mức thu nhập hàng năm lên tới 80.000 Nhân dân tệ (11.702,75 USD) mỗi năm nhưng cô Liu chẳng thấy đủ do chi phí sinh hoạt trên thủ đô quá cao.
Trường hợp của cô Liu vẫn còn tốt chán bởi nhiều bạn trẻ Trung Quốc còn phải mua sắm quà cáp cho gia đình hay người thân theo lễ phép dù họ chẳng tiết kiệm được nhiều.
Một ví dụ khác là anh Wang Junqiang đã làm việc ở Thượng Hải được 10 năm và Tết này anh không về quê. Bản thân anh là nhân viên giao hàng nhanh cho ứng dụng đồ ăn và điều khá ngạc nhiên là anh chẳng có vẻ buồn khi không về quê.
Tiền đã không có nhưng về quê là cứ phải lì xì
"Bạn được thưởng đến 1.000 Nhân dân tệ (158 USD) nếu làm đến tận đêm giao thừa. Nếu bạn quay trở lại làm việc trước hoặc trong ngày mùng 5 Tết, bạn sẽ được thưởng thêm 700 Nhân dân tệ", anh Wang nói.
Trên thực tế, anh Wang có thói quen không về quê ăn Tết nhiều năm. Bình quân mỗi năm anh kiếm được khoảng 10.000 Nhân dân tệ/tháng trong dịp lễ Tết và việc không có chuyến bay thẳng về quê cũng như kiếm vé tàu quá khó khăn khiến anh Wang từ bỏ niềm vui đoàn tụ cùng gia đình.