Không thể chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, lao động đã-đang “gắng gượng” tìm giải pháp để cứu doanh nghiệp, người lao động, ví như chấp nhận giảm tiền lương, nghỉ việc tạm thời để chia sẻ cùng doanh nghiệp và nhiều biện pháp cũng mang tính “gắng gượng” khác, trong nỗi ám ảnh “bóng ma thất nghiệp”…
Đó là thực tế đã được nhóm PV VOV đề cập trong bài 1 và bài 3 của loạt bài "Ám ảnh “bóng ma” thất nghiệp". Phần cuối của loạt bài với nhan đề: “”.
Từ sau giãn cách xã hội tới tận bây giờ, sáng nào cũng vậy, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, hàng trăm người xếp hàng chen chúc nhau đợi làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Vài tháng qua là quãng thời gian đằng đẵng với chị Phạm Hồng Thu khi phải trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: Sốc, bất an, vất vả và khổ cực khi công ty cho nghỉ việc.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động chịu tác động nặng nề. (Ảnh minh họa)
Sau một thời gian tìm hiểu, mới đây, chị quyết định học lại nghề kế toán với hy vọng có cơ hội việc làm mới-tốt hơn: “30 tuổi rồi, tôi cũng muốn có công việc ổn định hơn. Với nghề mình đã định hướng từ trước nhưng chưa làm được thì quyết định đi học lại để tìm công việc tốt hơn, có thể tìm lại kiến thức đã học, không đi làm những việc không ổn định nữa”.
Khác chị Hồng Thu, anh Nguyễn Văn Nam từng làm đầu bếp cho một khách sạn 5 sao tại Hà Nội với mức lương 30 - 40 triệu đồng một tháng. Nghỉ việc đã 3 tháng, nay anh quyết chí đổi việc, mong giúp gia đình vượt qua khủng hoảng. Không dừng lại ở đó, anh và vợ chế biến thực phẩm bán online, thu nhập cũng đủ chi tiêu sinh hoạt, và quan trọng là không đứt gánh học hành của lũ trẻ trong nhà.
“Khi rơi vào thất nghiệp như thế này thì tôi nghĩ kiếm được công việc 10 triệu hoặc hơn 10 triệu đồng một tháng là được. Nếu tìm được cơ hội việc làm tốt hơn, có thu nhập cao hơn thì càng tốt. Chúng ta phải đi làm chứ không thể trông chờ mong có thuận lợi như trước kia thì khó lắm” - anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Không chỉ người lao động mà các doanh nghiệp lớn như điện tử, dệt may cũng đang “tìm việc”. Họ tìm đơn hàng, với hy vọng duy trì công việc, giữ chân người lao động.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó phòng hành chính Công ty May 10 chia sẻ, Dịch covid-19 khiến thu nhập của 3 triệu lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Cường cho biết: “Hiện nay chúng tôi mới có đơn hàng đến nửa cuối tháng 7, một số đơn vị thì có những đơn hàng tháng 8 tuy nhiên cũng chưa rõ ràng. Chúng tôi cũng xác định trong thời gian tới thì nhu cầu cũng giảm dần có thể sẽ trùng với kịch bản mà chúng tôi dự báo. Bên cạnh tìm giải pháp duy trì việc làm thì chúng tôi kiến nghị ngành dệt may khó khăn cũng có thể tiếp cận thấy gói 62.000 tỷ với các điều kiện thuận tiện hơn”.
Tại TP HCM, địa phương có gần 328.000 lao động nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm và dự báo thời gian tới có thể lên tới gần 1 triệu người – là một trong những thị trường lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP HCM cho biết.
Theo ông Tấn: "Hướng dẫn cho những lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đến từng chi nhánh để đăng ký còn nếu không đủ thì giới thiệu việc làm và dạy nghề với các sàn giao dịch để người lao động có cơ hội kiếm việc làm tốt nhất. Việc nữa là điều hòa lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia có nhu cầu. Hứa quyết tâm giữ lao động ở thành phố vì dù sao thì họ cũng đã gắn bó lâu dài và sản xuất ra nhiều của cải cho thành phố thì thành phố phải có trách nhiệm".
Cần phục hồi sản xuất, tạo việc làm mới
Trước những khó khăn quan sát được, cùng kiến nghị của người lao động và doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: “Đã kiến nghị Chính phủ giảm các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động”.
"Với gói 16.000 tỷ đồng do Ngân hàng chính sách triển khai, doanh nghiệp không thể tiếp cận bởi tiêu chí chúng ta đưa ra quá cao. Đề nghị bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay, nếu mà không có nguồn thu thì doanh nghiệp phá sản, giải thể rồi, không có khả năng vay gói này nữa. Đề nghị điều chỉnh tiêu chí này. Đồng thời cho doanh nghiệp vay đến hết tháng 12/2020. Đây cũng là giải pháp để kích cầu tiêu dùng, kích cầu mua sắm” - ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Đáng chú ý, khi hầu hết doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ này, trong dư luận lại đã có đề xuất cần thêm một gói hỗ trợ khác – trực diện – chỉ cho khối doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, bởi chung một nhẽ, “doanh nghiệp phục hồi thì người lao động mới có việc làm, có thu nhập”.
Nguồn lực của Chính phủ không phải là vô hạn! Có hay không có gói tài chính mới, cần sự cẩn trọng! Tình hình mới, trước hết cần sự nỗ lực của từng người lao động, từng doanh nghiệp, của mọi cấp, ngành, là quan điểm của bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện Trưởng Viện phát triển cộng đồng Ánh Sáng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thương hiệu Việt Xưa.
Theo bà Thu Giang: "Trong tương lai gần sẽ vẫn còn tác động nữa vì nhiều doanh nghiệp bây giờ mới bắt đầu bị ảnh hưởng và đấy là bài toán chúng ta phải giải trong năm 2020 và ít nhất là sang năm 2021.
Thực ra có nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân hoạch định chiến lược chung, ví dụ chúng ta thu hút đầu tư FDI trong nhiều năm, chúng ta thu hút để phát triển nhưng chuyện phát triển nhân lực như thế nào thì phần nào chưa tính đến và đa phần các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam vẫn đang sử dụng trình độ nhân lực ở mức thấp nên khi họ bị ảnh hưởng chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo.
Thứ 2 là ý thức của mọi người, kể cả người lao động chưa cao, câu chuyện đôi khi chỉ cần kiếm được công việc và không có ý thức để trau dồi, nâng cao kỹ năng của bản thân. Bên cạnh đó còn là vai trò của các bên liên quan, vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của người lao động, vai trò điều phối của Chính phủ".
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Trong chuỗi giải pháp liên quan mật thiết được bà Nguyễn Thu Giang chỉ ra, từ chính sách chiếc lược đến chính sách thu hút đầu tư; từ Luật lao động đến từng chủ trương đơn lẻ bảo vệ người lao động, từ nhận thức - năng lực bản thân người lao động cho đến câu chuyện trách nhiệm cộng đồng của giới doanh nghiệp... Là một bài toán tổng thể cần thực hiện đồng bộ trong nỗ lực giải quyết-hạn chế những “bóng ma” thất nghiệp ám ảnh-lẩn khuất quanh ta.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ: "Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam càng ngày càng tăng là sự đe dọa thực sự-hiện hữu. Khống chế được thì đầu tiên phải là chương trình hỗ trợ của chính phủ. Điều thứ 2 là kinh tế phải tránh lệ thuộc vào xuất nhập khẩu, quan trọng là phải cơ cấu lại nền kinh tế, tăng kích cầu nội địa".
Chúng ta đang ở giai đoạn bình thường mới với nhiều cơ hội xen lẫn khó khăn-thách thức, cần nỗ lực đổi mới sáng tạo để vực dậy và phát triển bền vững nền kinh tế-xã hội, nỗ lực quản trị rủi ro để hạn chế những tác động tiêu cực như giai đoạn vừa qua. Đó là khẳng định của các chuyên gia, cũng là chỉ đạo, hy vọng của người đứng đầu Chính phủ đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp, đối với từng người dân.
Các chuyên gia cho rằng: "Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%. Chủ trương tăng thêm nợ công, bội chi ngân sách khoảng từ 3-4% GDP để có nguồn lực đầu tư. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả doanh nghiệp lớn, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không bị đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Vì sao để làm điều đó, chúng ta đều biết là nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp".
Sự nỗ lực là quan trọng nhất trong mọi hoàn cảnh, không chỉ đối với giai đoạn “bình thường mới”. Trong đó, cần những tư duy đột phá – tư duy mới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh điều này khi phân tích và bày tỏ lo lắng về những “bóng ma thất nghiệp”: "Phải có những hành động trực tiếp từ phía các doanh nghiệp. Phải hỗ trợ được cho các doanh nghiệp và phải chú ý đến khu vực phi chính thức. Làm sao để cơ hội về việc làm được hình thành và duy trì công bằng ở hai khu vực. Những sách hỗ trợ của Nhà nước đều phụ thuộc vào thị trường. Nếu không đảm bảo được thị trường, không đảm bảo bảo được cầu với hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp thì rất khó để chúng ta đảm bảo được việc làm dài hạn. Qua đó mới có thể xua đuổi được bóng ma thất nghiệp./.
Mới đây, Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và định hướng chỉ đạo, đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi-phát triển nền kinh tế, Thủ tương Chính phủ nhấn mạnh:
"Tôi yêu cầu một tinh thần là khó khăn gấp đôi ta phải phấn đấu gấp 3, không chùn bước, không bàn lùi. Tiến công để phát triển đất nước. Cả nước chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước trong lúc khó khăn, dịch bệnh toàn cầu và có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn
Giải pháp mạnh nhất cũng đã được người đứng đầu chính phủ chỉ rõ là Phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy "cỗ xe tam mã".
Thúc đẩy cỗ xe tam mã: Đầu tư-xuất khẩu và tiêu dùng đang được coi là động lực phát triển kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, hướng tới hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Cỗ xe nay lăn bánh tốt hơn khi các vấn đề an sinh xã hội đươc đảm bảo
Mất việc-thất nghiệp tràn lan là vấn đề ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sàn an sinh – trên nhiều khía cạnh
"Bóng ma" thất nghiệp còn trực chờ quanh ta: Từ nay đến cuối năm, hay lâu hơn nữa, là mối lo lớn nhất của sàn an sinh, của toàn nền kinh tế.
Ước mơ cũng chỉ mãi là ước mơ nếu cỗ xe tam mã chưa có bước đà tốt nhất, nếu nỗ lực tự thân chưa được thể hiện – là khi "buông bỏ", khiến"bóng ma thất nghiệp" lớn hơn với ảm ảnh trực chờ./.