UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021-2030.
Dự án này có diện tích sử dụng đất, mặt nước giai đoạn hoàn thiện dự kiến khoảng 2.303ha. Ở giai đoạn mở đầu (đến năm 2030) quy mô sử dụng đất của dự án đạt khoảng 400ha. Giai đoạn sau năm 2030, diện tích đất cảng sẽ được mở rộng thêm khoảng 137,3ha bao gồm 19 bến cảng, các khu neo đậu chuyển tải, chờ đợi cầu.
Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định
Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 35.000 tỉ đồng, do CTCP Xuân Thiện Nam Định (Xuân Thiện Nam Định) làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, bến cảng biển chuyên dụng Xuân Thiện Nam Định sẽ được dùng để phục vụ cho việc phát triển dự án "Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định", cũng do Xuân Thiện Nam Định làm chủ đầu tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, dự kiến đến năm 2026, dự án đặt mục tiêu hoàn thành bến tổng hợp, chuyên dùng phục vụ cho giai đoạn 1 nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định công suất 1 triệu tấn/năm và nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng công suất 2 triệu tấn/năm. Tổng năng lực phục vụ nhập khẩu thiết bị, nhập nguyên nhiên liệu và xuất sản phẩm cho nhà máy thép đến công suất 3 triệu tấn/năm thép thành phẩm.
Ở giai đoạn 2, dự kiến đến năm 2027, hoàn thành tiếp bến cảng chuyên dùng phục vụ cho giai đoạn 2 của nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định công suất 5,1 triệu tấn/năm. Tổng năng lực phục vụ nhập khẩu thiết bị, nhập nguyên nhiên liệu và xuất sản phẩm cho nhà máy thép đến công suất 8,1 triệu tấn/năm thép thành phẩm.
Ở giai đoạn 3, dự kiến đến năm 2028, hoàn thành tiếp bến cảng chuyên dùng phục vụ cho giai đoạn 3 của nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định công suất 2,4 triệu tấn/năm; tổng năng lực phục vụ nhập khẩu thiết bị, nhập nguyên nhiên liệu và xuất sản phẩm cho nhà máy thép đến công suất 9,5 triệu tấn/năm thép thành phẩm.
Lưu ý rằng, dự án "Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định" đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 3/2022, tăng vốn đầu tư từ 66.000 tỉ đồng lên 88.000 tỉ đồng. Dự án này cũng được chia làm 3 giai đoạn.
Sơ phác Xuân Thiện Nam Định
Theo tìm hiểu của VietTimes, Xuân Thiện Nam Định do ông Nguyễn Văn Thiện – anh trai ông Nguyễn Đức Thuỵ (‘bầu’ Thuỵ) – sáng lập vào tháng 6/2021, góp 300 tỉ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ.
Hai cổ đông sáng lập khác của Xuân Thiện Nam Định đều là những thành viên của Xuân Thiện Group, cụ thể là Công ty TNHH Xuân Thiện Hoà Bình và Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, với tỉ lệ sở hữu lần lượt 55% và 40% vốn điều lệ.
|
Chỉ sau chưa đầy 1 năm đi vào hoạt động, tính đến tháng 3/2022, Xuân Thiện Nam Định được tăng vốn 2,5 lần, lên mức 15.000 tỉ đồng. Cùng với động thái tăng vốn của Xuân Thiện Nam Định, như VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết, dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 88.000 tỉ đồng.
"Đại gia" Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch HĐQT Xuân Thiện Group (đứng).
Công ty TNHH Xuân Thiện Hoà Bình, nên biết, là chủ đầu tư loạt dự án trọng điểm tại tỉnh Hoà Bình như: dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện, cảng Xuân Thiện, nhà máy lắp ráp pin mặt trời Xuân Thiện; nhà máy xi măng Xuân Thiện.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, Xuân Thiện Group còn quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời.
Như VietTimes từng đề cập , trong giai đoạn từ 25/6 - 28/8/2020, nhóm Xuân Thiện Group đã huy động tới 12.740 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.
Cụ thể, các doanh nghiệp này bao gồm: CTCP Ea Súp 1, CTCP Ea Súp 2, CTCP Ea Súp 3, CTCP Ea Súp 5, Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận, CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La./.