Tại hội thảo "Chiến tranh thương mại: Tương lai doanh nghiệp (DN) sản xuất", được tổ chức ngày 23-11 ở TP HCM, nhiều chuyên gia cho rằng với quy mô áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của Mỹ và Trung Quốc thì tác động tới Việt Nam là tương đối nhỏ, diện mặt hàng chịu tác động chưa nhiều nhưng nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, tác động sẽ lớn hơn.
Các xe tải chở nông sản Việt Nam nằm chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc Ảnh: LÊ PHONG
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông - cho biết gần đây đang có làn sóng dịch chuyển đơn hàng, đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tác động của chiến tranh thương mại. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới hiệp hội tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư và dịch chuyển nhà máy. Đơn hàng xuất khẩu của nhiều nhà máy, công ty sản xuất gia công mặt hàng, sản phẩm nhựa cũng tăng mạnh so với trước.
Dù vậy, điều các DN lo ngại là Việt Nam hiện nằm trong các nước dẫn đầu về xuất siêu sang Mỹ, nên khả năng sẽ được Trung Quốc dùng làm nơi trung chuyển để sơ chế hàng hóa xuất khẩu rồi sau đó mới tuồn sang Mỹ, tránh bị áp thuế cao. Nếu chúng ta không kiểm soát được tình trạng này, khi đó các mặt hàng sản xuất tương tự của Việt Nam, gồm cả sản phẩm nhựa, rất dễ hứng chịu những lệnh trừng phạt của Mỹ về kinh tế, áp thuế, thậm chí không nhập hàng hóa từ Việt Nam.
"Ngành nhựa đã từng có nhiều bài học xương máu của những lệnh trừng phạt này. DN nhỏ và vừa trong nước ở ngành nhựa cũng khó có thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, nếu hàng của họ tràn vào. Theo ước tính, giá hàng nhập khẩu chỉ bằng khoảng 60%-70% giá xuất kho của DN Việt Nam. Do đó, nguy cơ hàng trăm DN ngừng sản xuất, người lao động mất việc khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào sẽ rất lớn" - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phân tích khi hàng Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ tràn sang các nước khác và cạnh tranh với những mặt hàng tương tự của Việt Nam. Đồng thời, hàng Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam, như làn sóng thép giá rẻ nước này đổ vào Việt Nam trước đây. Do đó, cạnh tranh trên sân nhà cũng trở nên gay gắt hơn.
Nhìn nhận về khả năng ứng phó của DN Việt trước tác động của chiến tranh thương mại, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tận dụng cơ hội nhưng với DN Việt tình thế sẽ khó khăn hơn. Hiện tại, khoảng 97%-98% DN nhỏ và vừa trong nước khó có khả năng ứng phó các cú sốc bên ngoài. Trong khi với Trung Quốc, đây vừa có rủi ro nhưng cũng là cơ hội. Lúc này, việc chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc cần những chính sách vĩ mô của nhà nước để định hướng cho DN Việt đi vào xuất khẩu chính ngạch. Còn nếu cứ xuất hàng sang thị trường này theo đường tiểu ngạch như lâu nay sẽ khó nâng cấp và rủi ro vẫn rất lớn.
"Một điều đáng tiếc là đến giờ, khu vực DN tư nhân Việt Nam mới được xem là khu vực quan trọng của nền kinh tế - ngay thời điểm năng lực của họ rất yếu, hiện chỉ chiếm chưa tới 10% GDP. Cần xoay chuyển tư duy về DN tư nhân và toàn bộ cấu trúc DN của nền kinh tế. Chính các tập đoàn tư nhân, DN tư nhân lớn mới đóng vai trò dẫn dắt, giúp tăng nội lực của nền kinh tế" - ông Thiên nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang lại lưu ý DN sản xuất nên theo dõi tình hình để có ứng xử kịp thời với từng biến động. DN nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, nắm rõ danh sách sản phẩm bị áp thuế, tìm hiểu khách hàng của các mặt hàng đó để tiếp cận chào hàng và chuẩn bị năng lực đáp ứng. Ông Hồ Đức Lam kiến nghị Chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá, không cấp phép cho những dự án sản xuất không bảo đảm thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam…
Huy động vốn sẽ khó hơn
Chiều cùng ngày, tại Diễn đàn Nhận diện Kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của DN, cũng diễn ra ở TP HCM, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định rủi ro cho DN năm 2019 ở chỗ ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay trung hạn và lãi suất tăng. Ngân sách cần vốn khiến lãi suất trái phiếu tăng. Thị trường chứng khoán không thuận lợi để DN huy động vốn.
Trong bối cảnh đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, ĐH Fulbright, lưu ý DN phải chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với các kịch bản kinh tế trong nước và quốc tế; chú ý quản lý đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các khoản vay dài hạn có lãi suất thả nổi, hạn chế vay ngắn hạn đầu tư dài hạn. Chú ý các khoản vay nợ bằng ngoại tệ (trái phiếu quốc tế, tín dụng nhập khẩu), đặc biệt đối với DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ trực tiếp.
Đồng thời, tăng cường năng lực quản trị tài chính, sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro ví dụ các công cụ phái sinh (tỉ giá, lãi suất...). Tận dụng những cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại, giả mạo xuất xứ. Đặc biệt, DN cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và cải thiện năng lực cạnh tranh...
S.Nhung