Một báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận con số thống kê đầy thú vị về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, tại khu vực Tây Nam Bộ, trong quý I/2022, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có 8 dự án tiếp tục chào bán trong quý 1 với khoảng 120 sản phẩm giao dịch thành công. Tỷ lệ hấp thụ khá khiêm tốn so với nguồn cung khoảng hơn 1.000 sản phẩm. Giá sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc dao động từ 8-100 tỉ đồng/căn.
Một số dự án điển hình có giao dịch tốt như Grand World TP Phú Quốc, Khu đô thị Meyhomes Capital TP Phú Quốc, Hòn Thơm Paradise Island...
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty bất động sản, giá biệt thự biển năm 2022 được chào bán với mức giá khá cao. Đơn cử như tại dự án Cam Ranh Bay Hotel & Resort (Khánh Hoà), giá căn biệt thự dao động từ 50-70 tỷ đồng. Biệt thự nghỉ dưỡng Gran Meliá tại dự án Vega City Nha Trang (Khánh Hoà) cũng được định giá ở ngưỡng tương tự.
Tại dự án Mery Land Quy Nhơn (Quy Nhơn), giá của những căn biệt thự cũng rơi vào mức hàng chục tỷ đồng. Căn cao nhất đang được chào bán là ở mức hơn 70 tỷ đồng.
Lý giải về mức giá biệt thự biển được thiết lập ở một ngưỡng hoàn toàn mới, lãnh đạo đơn vị môi giới này cho biết, phân khúc này hướng tới tệp khách hàng là giới nhà giàu và nhóm việt kiều, sẵn sàng chịu chi. Đặc thù của biệt thự biển là số lượng hiếm. Với căn biệt thự nằm trong quần thể được thiết kế đẹp, dịch vụ tốt, khả năng thanh khoản dễ dàng. Ngoài ra theo vị lãnh đạo này, bất động sản nghỉ dưỡng đang phục hồi trở lại nên đà tăng giá của sản phẩm phân khúc này là điều hiển nhiên.
Theo thống kê của VARs, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, Happy House Việt Nhật... đều dành quỹ đất tại đây để triển khai dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô. Nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng gia tăng đáng kể sau một thời gian dài phong toả vì Covid-19.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản biển luôn được đánh giá cao cao bất chấp dịch bệnh vừa qua là bởi dư địa phát triển của nó còn rất lớn.
Theo ông Đính, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh đặc biệt về biển. So với các quốc gia trong khu vực và thế giới, thị trường du lịch biển của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Giá trị bất động sản biển so với các quốc gia khác của Việt Nam hiện còn thấp.
Du lịch biển cũng được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Theo kế hoạch, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nằm trong Top 50 quốc gia hàng đầu của thế giới có năng lực cạnh tranh du lịch biển và đến năm 2030 sẽ nằm trong Top 30.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các tổ chức thế giới đang đánh giá rất cao tiềm năng khai thác sinh lời của du lịch biển Việt Nam. Cụ thể, lợi nhuận bình quân trong khai thác kinh doanh du lịch biển ở Việt Nam khoảng 30 – 35%. Người đứng đầu Hội môi giới bất động sản Việt Nam còn cho biết, dù ảnh hưởng của dịch bệnh song bất động sản biển vẫn ghi nhận những tín hiệu lạc quan.