Thị trường đồ uống, F&B đã và đang trở thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ, thu hút nhiều thương hiệu lớn nhỏ tham gia. Tuy nhiên, kéo theo đó là tình trạng đạo nhái, ăn cắp ý tưởng xảy ra tràn lan.
Là một thương hiệu nhượng quyền có tên tuổi trên thị trường, Cộng Cà Phê đã không ít lần trở thành nạn nhân của vấn đề này. Các dấu hiệu mang đậm bản sắc và đã làm nên thương hiệu của Cộng Cà Phê như từ “Cộng” hay phong cách mang hơi thở thời bao cấp với màu xanh chủ đạo cũng chính là những điểm bị các đối thủ trên thị trường “mượn” nhiều nhất.
Cuối năm 2019, trên đường Đê La Thành (Hà Nội) xuất hiện cửa hàng có tên “Trà Chanh Cộng”, tương tự với nhãn hiệu “Cộng Cà Phê” - vốn đã được đơn vị này đăng ký bảo hộ và làm chủ sở hữu. Không lâu sau khi khai trương, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiến hành buộc tháo dỡ biển hiệu cửa hàng Trà Chanh Cộng.
Hình ảnh quán Trà Chanh Cộng tại đường Đê La Thành bị cơ quan chức năng đến tháo dỡ biển hiệu.
Nhưng đây không phải trường hợp hy hữu. Đại diện Cộng Cà Phê cho biết qua quá trình khảo sát thị trường đã phát hiện 2 cửa hàng tương tự tại thành phố Đà Nẵng. Dù nhiều lần gửi văn bản cảnh báo, có cơ sở kết luận từ văn phòng luật sư nhưng những đối tượng này thường chây ì, không chịu hợp tác.
Một trường hợp khác, cũng tại Đà Nẵng, nhiều khách hàng phát hiện ra cơ sở kinh doanh “Nhậm Cà Phê”, có sự tương đồng đến kỳ lạ với Cộng Cà Phê từ thiết kế logo, màu sơn xanh chủ đạo đến trang phục, phong cách bày trí thời bao cấp. Thậm chí, cả tấm graphic thông báo tuyển dụng cũng như anh em sinh đôi, cùng nhà với Cộng Cà Phê.
Phong cách của N. Cà Phê (Đà Nẵng) khiến nhiều người tưởng đây là anh em cùng nhà với Cộng Cà Phê.
Đầu năm 2019, ngay giữa thủ đô Hà Nội, tại phố Hàm Long cũng xuất hiện một thương hiệu mới nhìn na ná Cộng Cà Phê nhưng lại có tên C.Cà Phê 1989, khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
C. Cà Phê cũng có sự tương đồng đến kỳ lạ với Cộng Cà Phê.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện truyền thông của chuỗi cà phê 13 năm tuổi này cho biết: "Việc bắt chước tên thương hiệu hoặc decor - trang trí giống Cộng Cà Phê đã khiến rất nhiều khách hàng của chúng tôi hoang mang, không biết có phải của Cộng thật hay không. Khi sử dụng dịch vụ và sản phẩm tại các cơ sở này, khách hàng sẽ có trải nghiệm không đồng nhất với các cửa hàng từ thương hiệu Cộng Cà Phê. Từ đó dẫn đến việc mất uy tín và thiện cảm về Cộng Cà Phê trong suy nghĩ của người tiêu dùng.
Ngoài ra, không chỉ ngành nước uống, các cửa hàng với nhiều lĩnh vực khác nhau liên tục mọc lên đi cùng với cái tên "Cộng": phở, spa, trà chanh... cũng gây bối rối cho các nhà đầu tư trong việc xác định chủ sở hữu có phải Cộng Cà Phê hay không để tiến hành hợp tác kinh doanh."
Trong khi đó, đa số người tiêu dùng đều thể hiện sự phẫn nộ đối với hành vi sao chép này.
Tuy nhiên, việc xử lý những vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ ý tưởng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để biến từ “cảm hứng” thành “đạo nhái” thương hiệu. Trước khi cơ quan chức năng vào cuộc thì quyền lực lớn nhất có lẽ nằm trong tay khách hàng, người tiêu dùng khi họ có thể thể hiện sự ủng hộ hay phản đối với những thương hiệu kinh doanh thiếu trách nhiệm.
Về phía Cộng Cà Phê, đại diện thương hiệu này chia sẻ: “Cộng cho rằng những gì nguyên bản và xuất phát từ tâm của người sáng lập thì sẽ chạm đến trái tim của khách hàng. Còn những cố gắng sao chép một cách thiếu sáng tạo sẽ làm mất đi cá tính và sự khác biệt của một thương hiệu, và cuối cùng là mất vị thế trong tâm trí công chúng.
Hy vọng những ai đang ấp ủ kế hoạch kinh doanh, dù trong bất cứ lĩnh vực gì, hãy tìm một hướng đi mới mẻ, độc đáo, và dồn hết tâm trí, khi đó thành công sẽ đến với bạn!”