Ngày càng nhiều người làm vườn có kinh nghiệm ở miền Trung không sản xuất đại trà mà tập trung trồng và chăm sóc những loại cây cảnh có giá trị. Tại làng mai truyền thống Háo Đức (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) một số chủ vườn mai chuyển trang trồng mai bonsai, mai nghệ thuật… phục vụ thị trường dịp tết.
Một trong 4 chậu quất giá hơn 35 triệu đồng trong vườn ông Nguyễn Viết Ninh (Cẩm Hà, Hội An) Ảnh:Ngọc Phúc
Ông Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, thôn Háo Đức) cho biết, cùng với 3.000 chậu mai Trực Liên Chi truyền thống bán đại trà thì vài năm nay, ông cùng nhóm bạn trồng mai trong vùng đã thành lập hội nghề chơi mai nghệ thuật.
“Chúng tôi tìm mua những phôi, xác mai cằn cỗi, xấu xí, dị lập đem về nuôi dưỡng. Mai ra lá, thế tự nhiên, càng lạ càng đắt tiền. Vườn nhà tôi hiện có 1.000 chậu mai nghệ thuật đủ dáng, thế khác nhau. Chơi dòng mai này không sợ lỗ công vì năm nay không bán được thì đợi năm sau hoặc năm sau nữa”, ông Minh nói.
Giữa bao la vườn quất, có rất nhiều cây loại to, gốc lớn, tán khá rộng, trồng trong chậu lớn, người làm vườn ở Cẩm Hà, TP Hội An - “thủ phủ” quất miền Trung đùa gọi là “quất chúa”. Những cây này thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm ngưỡng.
Ông Nguyễn Hoan (thôn Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà), người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng quất ước tính, trong số gần 400 hộ dân trồng quất tại địa phương, dường như nhà nào cũng có vài chậu quất cảnh tuổi đời trên dưới 10 năm, hầu hết có giá bán cao (thấp nhất khoảng 20 triệu đồng, cao hơn có thể 60-70 triệu đồng/chậu).
“Giá cao so với chậu quất thông thường 1-2 triệu đồng, nhưng hiện cũng bán hết rồi. Khách đến tận vườn đặt mua, đa phần bán ra Đà Nẵng và TP Tam Kỳ. Một số người chơi tết xong có thể thuê xe mang về nhờ chủ vườn chăm sóc để tết sang năm có thể chơi tiếp”, ông Hoan nói.
Còn ông Nguyễn Viết Ninh (tổ 20, Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà) nói, để có chậu quất thế cổ thụ đòi hỏi người trồng đầu tư rất nhiều công sức và thời gian. Cây quất sau khi trồng ngoài đất 4-5 năm thì vô chậu, vô phân thuốc 1-2 năm mới ra hình ra thế và sai quả.
“Giá tưởng cao nhưng tính ra công sức 6-7 năm trời thì cũng không phải ghê gớm. Chưa hết, để trồng lại một cây như ý không hề dễ dàng nên thường sau tết, khách chơi xong chúng tôi đến mua lại xác cây với giá 500.000 - 1 triệu đồng/cây tùy loại để về dưỡng tiếp cho năm sau”, ông Ninh cho biết.
Hiện nay có nhiều người đến TP Huế cất công đi tìm cây hoàng mai có giá cao hơn nhiều lần so với các loài mai khác để chơi tết. Ông Nguyễn Quang, nghệ nhân cây cảnh tại phường An Tây, TP Huế chia sẻ, hoàng mai được xem là cây cảnh đặc sản của xứ Huế và còn được gọi là lạp mai. Lạp là sáp ong, được ví với màu vàng tươi nhuận của hoa mai. Còn hiểu cách khác thì lạp nguyệt là tháng chạp, vậy lạp mai là loài hoa mai chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng Chạp (tháng 12 âm lịch).
Hoàng mai chỉ có 5 cánh, hương thơm nhẹ, tinh khiết và thanh thoát rất riêng biệt. Giá hoàng mai thường cao hơn so với nhiều loài mai khác như bạch mai, hồng mai, nhất chi mai, mai chiếu thủy, song mai… Một gốc hoàng mai cổ thụ, dáng độc thường có giá lên đến cả trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ./.