Quan sát thấy trong thời gian gần đây, trong chiến lược thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng, công ty tài chính diễn ra rất sôi động. Với việc ứng dụng công nghệ định danh trực tuyến giúp rút gọn thủ tục và thời gian phê duyệt, các sản phẩm thẻ tín dụng được ra mắt thời gian gần đây đã thu hút được sự chú ý của nhiều người dùng.
Các dòng thẻ tín dụng cũng ngày càng đa dạng, được thiết kế với các tính năng ưu đãi riêng biệt phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhiều nhóm khách hàng, trong đó quan trọng nhất là giúp khách hàng có thể quản lý chi tiêu hiệu quả.
Mới đây, Ngân hàng HDBank đã chính thức cho ra mắt thẻ tín dụng chuyên biệt dành riêng để mua xăng dầu với hạn mức đến 3 tỷ đồng. Được biết, dòng thẻ tín dụng này có nhiều tính năng giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý chi tiêu nhiên liệu hiệu quả hơn.
Khách hàng có thể đăng ký làm loại thẻ tín dụng này hoàn toàn theo hình thức trực tuyến mà không phải ra quầy. Thẻ được cấp 100% tín chấp, miễn lãi vay 45 ngày và không giới hạn số lượng thẻ phụ phát hành. Đặc biệt, lãi suất thẻ chỉ 12%/năm, có thể nói là thuộc hàng thấp nhất trên thị trường hiện nay, trong khi đa số thẻ tín dụng hiện có lãi suất 30-40%/năm.
Với việc giới hạn mục đích thanh toán thẻ chỉ cho thanh toán tiền đổ xăng dầu qua các máy POS tại các trạm xăng, chi phí/định mức xăng dầu phát sinh hàng ngày sẽ được thông báo qua hệ thống tin nhắn và sao kê giao dịch, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, kiểm soát chi tiêu.
Có thể nói, đây là một sản phẩm thẻ tín dụng độc đáo và sẽ nhận được sự hưởng ứng lớn. Bởi các giao dịch mua bán xăng dầu hiện chủ yếu được thanh toán bằng tiền mặt hoặc các phương thức ghi nợ, đối chiếu thủ công. Điều này đã gây nhiều bất tiện cho chủ xe, chủ doanh nghiệp khi khó kiểm soát được việc mua xăng dầu thực tế, hay tốn nhiều thời gian và nhân công cho việc kiểm tra, đối chiếu công nợ, chứng từ thanh toán,…
Việc phát hành thẻ tín dụng chuyên biệt cho mua xăng dầu của HDBank sẽ khắc phục được hạn chế của những phương thức thanh toán truyền thống, thay thế bằng các sản phẩm dịch vụ tài chính thuận tiện nhất cho doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Được biết, đây cũng là 1 trong những giải pháp ứng dụng công nghệ, nằm trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số, cụ thể hóa chiến lược đa dạng dịch vụ, gia tăng tiện ích và cung cấp các sản phẩm chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu khách hàng của HDBank.
Ngoài dòng thẻ chuyên biệt cho quản lý xăng dầu, thị trường hiện nay cũng có nhiều dòng thẻ chuyên biệt dành cho khách hàng với những mục đích sử dụng khác nhau.
OCB đang có tới hơn 10 dòng thẻ tín dụng quốc tế với thiết kế chuyên biệt riêng cho từng nhóm khách hàng. Chẳng hạn, ngân hàng này có thẻ OCB Mastercard Lifestyle – sản phẩm thẻ dành riêng cho giới trẻ. Thẻ sử dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc, được miễn lãi thanh toán lên tới 55 ngày. Khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán có thể được hoàn 5% cho các giao dịch liên quan đến du lịch như vé máy bay, khách sạn,…
Hay OCB còn có thẻ đồng thương hiệu với Bamboo Airways, sở hữu nhiều ưu đãi như toàn tiền, tặng quà cho khách hàng khi mua vé máy bay Bamboo Airways, sử dụng dịch vụ của tập đoàn FLC,…Thậm chí, khi thanh toán dịch vụ cao cấp của FLC như du thuyền, golf,…còn có thể ưu đãi lên đến 45%.
Tại những "ông lớn" sở hữu lượng khách hàng hàng chục triệu người, các dòng thẻ thậm chí còn đa dạng và phong phú hơn. Như tại VietinBank, với riêng khách hàng cá nhân đã có tới hơn 20 dòng thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ đồng thương hiệu.
VietinBank đang có tới 6 loại thẻ đồng thương hiệu hợp tác với những thương hiệu lớn về thương mại điện tử, hàng không, du lịch, bán lẻ. Chẳng hạn, nhà băng này mới đây đã kết hợp cùng Sendo cho ra mắt cặp Thẻ đồng thương hiệu Mastercard Platinum VietinBank Sendo gồm thẻ Ghi nợ Quốc tế và Tín dụng Quốc tế với ưu đãi "khủng". Theo đó, khách hàng được hoàn 1% không giới hạn cho mọi giao dịch chi tiêu, mua sắm trên Sendo, tặng mã vận chuyển trọng đời lên tới 20.000 đồng/mã, giảm 20% cho các giao dịch chi tiêu các ngày trùng tháng, tối đa 2 lần/ngày cùng nhiều E-voucher khác với tổng trị giá lên tới 720.000 VND/KH/năm.
VIB thì đang đẩy mạnh dòng thẻ tín dụng đem đến giải pháp tối ưu chi tiêu cho các gia đình - VIB Family Link. Chủ thẻ có thể theo dõi kỹ báo cáo tín dụng hàng tháng và kiểm tra hóa đơn thanh toán gia đình thường xuyên, cân đối những khoản chi bất hợp lý và thanh toán đúng hạn. Hạn mức của loại thẻ này lên đến 600 triệu đồng. Được biết, đây là dòng thẻ tín dụng đồng hành cùng con đầu tiên của VIB và Visa, Family Link tích điểm gấp 16 lần và không giới hạn cho các chi tiêu gắn kết gia đình. Với mỗi 1.000 đồng chi tiêu, chủ thẻ nhận 5 điểm thưởng.
Những ví dụ trên cho thấy, bức tranh về thị trường thẻ tín dụng đang có sự cạnh tranh đầy gay gắt. Đây cũng là thị trường "béo bở" cho các ngân hàng gia tăng nguồn thu, mở rộng thị phần bán lẻ nhanh chóng. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện trong 2 năm nay đã tác động đáng kể tới thói quen tiêu dùng và thanh toán của người dân. Các nhà băng càng không muốn bỏ lỡ "cơ hội vàng" này để có thể thúc đẩy các sản phẩm hiện đại, thu hút người dùng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối quý 2/2021, trên toàn quốc có hơn 20 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành, tăng mạnh 2 triệu thẻ so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là thẻ tín dụng. Trong khi dân số Việt Nam có hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất khu vực, dư địa cho thị trường thẻ tín dụng có thể nói vẫn còn rất lớn.