Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 chỉ đạt khoảng 8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 13,8% của năm 2018, song với giá trị xuất khẩu dự kiến đạt tới 263 tỷ USD, đưa cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu, với dự kiến xuất siêu hơn 9 tỷ USD - một con số kỷ lục sau 4 năm liên tục có xuất siêu.
Con số này được giới phân tích ghi nhận và đánh giá cao, thực sự “ấn tượng” trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019, với 3 kết quả hết sức tích cực được chỉ ra: Thứ nhất, đó là đạt mức tăng trưởng Quốc hội yêu cầu là từ 7-8%, với mức tăng 7,8% sau 11 tháng của năm. Thứ 2 là cán cân thương mại có thặng dư - với giá trị xuất siêu 11 tháng đạt hơn 9,11 tỷ USD; Và thứ 3 là khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng tới hơn 18% - cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đưa giá trị xuất khẩu của khối trong nước đạt hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chú thích ảnh
Theo chuyên gia Phạm Tất Thắng: "Nguyên nhân dẫn đến điều này là chúng ta cải cách thể chế, bỏ giấy phép con, cái đó đã tạo ra động lực cho các doanh nghiệp (DN), đây là động lực quan trọng nhất. Ta thấy nhiều năm trước tốc độ tăng của FDI cao hơn tốc độ tăng của các DN có vốn trong nước, thế nhưng năm nay, tốc độ tăng của các DN 100% vốn trong nước tăng rất nhanh. Điều này nói lên nội lực của chúng ta, kết quả của những DNVN đã bắt đầu bắt nhập được với hoạt động sản xuất kinhd oanh trong điều kiện mở cửa".Để đạt được kết quả này, PGS. TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia thương mại cao cấp đặc biệt ghi nhận công tác cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục thông quan, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng - điều này tác động rực tiếp tới xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt Việt Nam lại là một nền kinh tế có độ mở rất lớn và xuất khẩu là trụ cột quan trọng đóng góp cho tăng trưởng - thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Và mặc dù đánh giá cao công tác hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại… song, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh sự chủ động của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu năm 2019.
"DN đã rất chủ động trong việc thực hiện các biện pháp đổi mới về công tác XTTM, ví dụ như ứng dụng về thương mại điện tử thì trong năm 2019 chúng ta cũng đã hỗ trợ cho các DNVN đạt đến hơn 50% DN đăng ký thì cũng đã bán hàng thành công trên thị trường Mỹ, không chỉ trên mạng của AMAZON đâu mà đây là đăng ký trực tiếp trên thị trường Mỹ đã đạt trên 50%.
Nhưng điều chúng tôi phải nhấn mạnh lại là kết quả hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thì đây trước hết là từ sự nỗ lực, chủ động, cố gắng của chính các DNVN đã nâng cao được năng lực cạnh tranh của chính mình để sản xuất, để làm ra được những mặt hàng để có thể cạnh tranh được trên các thị trường. Đây là điều hết sức quan trọng..." - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trên thực tế, các thị trường truyền thống, các đối tác lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã luôn được giữ vững.
Đồng thời, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, các chuyên gia ghi nhận doanh nghiệp Việt đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thống kê sau 10 tháng xuất khẩu vào thị trường CPTPP.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: "Sau khi hiệp định được đi vào thực thi thì về cơ bản kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP đều tăng trưởng khá tốt, chủ yếu tăng mạnh ở các mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, thủy sản, dệt may... đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Về giá trị xuất khẩu thể hiện rõ việc xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam chưa có FTA ví dụ xuất khẩu sang Canada tăng khoảng 33%, xuất khẩu sang Mexico cũng đạt tốt, tăng khoảng gần 24%. Ngoài ra, một số thị trường mà chúng ta đã có FTA tăng trưởng cũng rất tốt, ví dụ như Nhật Bản chẳng hạn, tăng khoảng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 100% đối với một số mặt hàng như phân bón tăng tới hơn 626,7%, sắt thép tăng 158,7%...".
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, trong năm 2019, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu liên tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, chỉ tính riêng xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp chế biến tiếp tục có tăng trưởng cao. Số liệu 11 tháng nhóm ngành này tăng 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó đã có 8 mặt hàng xuất khẩu trị giá 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trị giá trên 10 tỷ USD…
Nhờ vào sự nỗ lực, bứt phá từ cả phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 đã cho những kết quả ấn tượng, với hơn 263 tỷ USD, giúp “cân bằng” được cán cân thương mại, với giá trị xuất siêu hơn 9 tỷ USD.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương, kết quả này là tiền đề tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới.
Tuy nhiên, trước rất nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới được chỉ ra, như: nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục chiều hướng suy giảm - khi nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà giảm tốc; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang phải đối diện với những khó khăn thách thức như: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, gay gắt hơn trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế...
Đồng thời, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm, trong khi đó chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này yêu cầu khắt khe hơn; Khả năng Mỹ sẽ tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam… dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 là không hề dễ dàng.
Bộ Công thương cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương, cho biết: "Thực ra trong 2-3 năm nay thì các thủ tục điều kiện dầu tư kinh doanh liên quan đến lĩnh vực XNK cũng đã được cắt giảm rất nhiều. Trong thời gian vừa qua, Bộ cũng đã tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trong trường hợp có những vướng mắc đối với DN có thể xử lý thì đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp để hiện đại hóa công tác cải cách thủ tục hành chính và tăng cường đưa các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến cũng như là kết nối một cửa quốc gia để giảm hơn nữa chi phí cũng như thời gian cho DN tham gia hoạt động XNK..."./.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra một số mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Với những kết quả của năm 2019, cùng với cam kết đồng hành của cơ quan quản lý thông qua các giải pháp cụ thể, thiết thực đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hi vọng sẽ đạt được những kết quả cao hơn, cả về chất và lượng - nhất là trong năm 2020, khả năng Hiệp định thương mại chất lượng cao giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được thông qua và có hiệu lực./.