Doanh nghiệp đã xuất cả nghìn container hàng hóa
Ngay ngày đầu tiên trở lại công việc sau thời gian nghỉ Tết, Công ty Vina T&T Group đã xuất khẩu 23 container nhãn, thanh long và dừa đi Mỹ. Trong đó, có 16 container thanh long đi bằng đường hàng không, mỗi container khoảng 900kg. Các container còn lại đi bằng đường biển, gồm 2 container nhãn tổng cộng 36 tấn; 2 container thanh long tổng cộng 22 tấn và 50.000 trái dừa tươi, ước tính khoảng 3 container. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết: “Từ mùng 4 Tết, công nhân đã quay trở lại làm việc để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu này. Khâu vận chuyển trái cây rất quan trọng, nếu không đúng quy trình bảo quản, trái cây rất dễ bị hư nên công nhân phải làm từ sớm”.
Trước đó, ngay trong đêm giao thừa (tối 4/2), Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) đã thực hiện xuất 650 container lên tàu Northern Volition (hãng tàu CK line Hàn Quốc). Trong thời gian nghỉ tết từ ngày 4 đến 10/2 (từ 30 âm lịch đến mùng 6 tết), cảng Cát Lái và Phú Hữu đón khoảng 67 chuyến tàu, sản lượng xuất nhập khoảng 65.000 TEU. Ông Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc TCSG chia sẻ: “Năm 2019, TCSG xác định là “năm bản lề”, tạo đà cho giai đoạn tăng tốc phát triển, nâng cấp tổng công ty trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển. Trong đó, Tân cảng Cát Lái dự kiến sẽ lập kỷ lục mới với 5 triệu TEU hàng container thông qua cảng trong năm, cụm cảng Tân cảng Cái Mép sẽ đạt tới con số trên 2,2 triệu TEU thông qua trong năm”.
“Gặp thời” trong năm 2018, ngành Da-Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO) đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2019 khoảng 21,5 tỷ USD, tăng thêm 2 tỷ USD so với kết quả của năm 2018. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội LEFASO nhìn nhận: “Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cơ hội thị trường với ngành giày dép, túi xách Việt Nam vẫn khá triển vọng do tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc. Các DN ngành da giày, túi xách vẫn đang có nhiều cơ hội để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là xuất vào một số thị trường mà giày dép còn chưa vào được nhiều như Canada, Mexico, Australia... trong khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương)”.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), thời gian qua, các DN hội viên thuộc FFA đã nỗ lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa qua hàng trăm quốc gia. Hiện nay, FFA đủ tiềm lực để sản xuất các sản phẩm lương thực, thực phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng mọi điều kiện của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước thuộc khối EU và sự tiếp cận của hàng Việt đối với những thị trường này. Trong năm 2019, FFA sẽ nỗ lực giúp các DN hội viên sản xuất các mặt hàng mà thị trường các nước có nhu cầu cao; hỗ trợ tìm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, ví như thị trường Israel.
Tận dụng nội lực
Xuất khẩu năm 2019 có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019, đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới.
Đánh giá ngành xuất khẩu trái cây phải đối mặt với nhiều khó khăn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng, không có sự chuẩn bị nào tốt bằng việc chủ động thay đổi bản thân và tận dụng nội lực sẵn có. “Để đảm bảo vùng trồng, Vina T&T đã liên kết với nhiều vùng nguyên liệu, hợp tác xã của nông dân các tỉnh miền Tây để đầu tư, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật để nhà nông canh tác theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty còn thuê các chuyên gia của DN nhập khẩu qua nhà máy giám sát, kiểm tra mẫu trái cây trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu phát hiện trái cây không đạt tiêu chuẩn sẽ hủy ngay lô hàng, tránh trường hợp tốn chi phí vận chuyển đi và về. Năm 2019, Mỹ sẽ mở cửa thị trường với trái xoài Việt Nam, một số quốc gia khác sẽ mở rộng thêm với một số loại trái cây, thị trường xuất khẩu sẽ còn tăng trưởng mạnh”.
Dù lạc quan với triển vọng xuất khẩu, song theo nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu xuất khẩu năm 2019 không dễ vượt qua khi các quốc gia nhập khẩu đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật. Theo bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất thiết phải hướng đến và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tiêu chuẩn này không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch, mà DN và hộ nông dân phải đảm bảo “sạch” từ khâu nguyên liệu đầu vào (đối với hoạt động sản xuất) và gieo trồng (đối với nông hộ) đến khâu sản xuất, canh tác. Cuối cùng là khâu tạo ra sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến hệ thống phân phối.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tình hình xuất khẩu của thành phố trong năm 2019 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho DN khi tham gia thị trường, vì sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Năm 2019, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 11% (năm 2018 tăng 7,8%). Để đạt được kế hoạch này, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của thành phố và đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn hạn - trung và dài hạn để phát triển xuất khẩu bền vững” - ông Đông nói.
Xuất khẩu thủy sản 2019 kỳ vọng đạt 10 tỷ USD
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, cơ hội mở ra cho ngành thủy sản là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh. "Chúng tôi dự báo, năm 2019, ngành thủy sản sẽ đạt xuất khẩu ở mức trên dưới 10 tỷ USD, tăng trưởng 10-15% so với năm 2018" - ông Hòe nói.