Đứt gãy chuỗi cung ứng
Ngày 20/4, tại hội thảo “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine”, các chuyên gia cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19 còn chưa khắc phục thì DN lại tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gián đoạn cung ứng nguyên, nhiên liệu. Xung đột Nga - Ukraine dẫn tới việc cấm vận, giao nhận hàng hóa bị trì hoãn, đứt đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù Nga và Ukraine không nằm trong top các thị trường xuất khẩu thủy sản nhưng đây vẫn là những thị trường quan trọng, có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh.
Khi cuộc xung đột giữa hai quốc gia xảy ra, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ như thanh toán gián đoạn, vận chuyển khó khăn, các hợp đồng cũ tồn đọng, hợp đồng mới không thể ký kết...
Xúc tiến thương mại giới thiệu hàng Việt vào thị trường châu Âu
“Việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở hai thị trường Nga và Ukraine là đòn giáng mạnh với DN ngành thủy sản trong nước cũng như nhiều quốc gia khác khi phần lớn các nguyên liệu đều được nhập khẩu từ Nga. Các đơn hàng liên tục bị hoãn, hủy dẫn đến tình trạng ùn ứ, chi phí phát sinh nhiều, DN chịu nhiều tổn thất” - ông Hoè nhấn mạnh.
Đánh giá về những tác động của thị trường, TS. Lê Hoàng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, ảnh hưởng từ cuộc xung đột sẽ làm giá thành các sản phẩm đều tăng cao, gây nên tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia. Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế cũng như gây ra tình trạng lạm phát tại Việt Nam.
"DN cần phải có chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường; trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bản lĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng hơn trong thời gian tới".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận, Nga và Ukraine là những thị trường truyền thống và có tính thương mại cao đối với Việt Nam. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine năm 2021 vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại của Nga. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN, đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC.
“Căng thẳng Nga - Ukraine vì thế vừa ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, không chỉ gặp khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn cung một số mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nga và gián đoạn xuất khẩu các sản phẩm sang Nga - Ukraine, DN Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu từ các thị trường khác. Mặt bằng giá nguyên liệu tăng nhanh làm gia tăng áp lực lạm phát, cộng với những bất cập, rủi ro về logistics và thanh toán quốc tế là gánh nặng với hoạt động xuất nhập khẩu” - ông An nói.
Tìm cơ hội
Theo ông Phạm Bình An, trong “nguy” luôn có “cơ”. DN Việt cần phải tận dụng thời cơ và có chiến lược phù hợp. Cụ thể, khi thế giới biến động và nhiều rủi ro, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các khu vực có nền tảng chính trị ổn định hơn, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư mới. Chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy tạo ra khoảng trống và tạo điều kiện để DN tham gia vào quá trình thiết lập lại các chuỗi cung, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường EU trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm.
“Để biến nguy thành cơ, DN phải đa dạng hoá thị trường và nguồn cung cũng như phương thức thanh toán; rà soát lại hợp đồng, hồ sơ pháp lý. Đồng thời, DN chủ động nghiên cứu các dòng hàng được hưởng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để vận dụng một cách triệt để vào việc giảm giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh” - ông An lưu ý.
Liên quan đến những rủi ro trong giao thương quốc tế, PGS.TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Đại học Gia Định, Trọng tài viên VIAC lưu ý, để duy trì hoạt động kinh doanh và không bị hoãn hủy các hợp đồng doanh nghiệp cần phải có các phương án quản trị rủi ro phù hợp; quy định cụ thể về các trường hợp được áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng cũng như lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.
Đối với các DN thủy sản, ông Trương Đình Hoè cho biết, cộng đồng DN đã điều chỉnh hoạt động để thích ứng. Đó là chủ động tiến hành các biện pháp thanh toán nhanh thông qua các kênh từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng tư nhân; kéo hàng về hoặc hoãn, hủy đơn hàng…
Ngành thủy sản còn xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để tránh các tác động tiêu cực do lệnh cấm vận Nga.
“Tuy nhiên, để có thể xây dựng được chiến lược dài hạn và hiệu quả, DN vẫn cần có các hướng dẫn sát sao hơn từ các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức hỗ trợ DN” - ông Hòe nhấn mạnh.