Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá của không chỉ các mặt hàng năng lượng tăng, mà nhiều loại lương thực, thực phẩm tại các nước cũng lên giá rất mạnh. Diễn biến này đang tạo cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam nói chung, cá ngừ nói riêng, tăng xuất khẩu sang các thị trường…
1 tỷ USD - con số nhiều năm trước từng "mơ" đến
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu cá ngừ trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ cả năm dự kiến sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2021.
Lý giải về mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD cá ngừ trong năm nay, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, đầu năm tuy có những dự báo không mấy lạc quan về xuất khẩu thủy sản nhưng đối với mặt hàng cá ngừ xuất khẩu rất tốt; nửa cuối năm nay tình hình xuất khẩu cá ngừ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
Một là nguồn nguyên liệu dự trữ của doanh nghiệp, nguyên liệu nhập khẩu và mùa vụ hiện nay là tạm ổn, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ không phải lo lắng. Vì vậy, nếu thị trường có nhu cầu thì kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm sẽ dễ dàng bằng với nửa đầu năm.
Hai là, nửa cuối năm nhu cầu thị trường vẫn có, và doanh nghiệp cá ngừ vẫn đang xuất khẩu vào những thị trường có nhu cầu cao. Với khả năng tại thị trường Mỹ phục hồi sau đại dịch và xu hướng hiện nay thì nhu cầu thị trường này vẫn duy trì ổn định.
Ông Hòe cho rằng VASEP nhìn thấy được nhu cầu của thị trường và hướng đến mục tiêu xuất khẩu trên một tỷ USD cá ngừ từ những năm trước, nhưng vẫn chưa đạt được do chưa có được nguồn nguyên liệu ổn định như bây giờ, và năng lực chế biến của các nhà máy cũng chưa đạt được yêu cầu.
Bây giờ hai vấn đề trên đã được giải quyết cùng với mức độ hấp thụ của thị trường trong nửa đầu năm, và khả năng thị trường vẫn tốt trong 6 tháng cuối năm thì xuất khẩu cá ngừ hoàn toàn có khả năng đạt được 1 tỷ USD.
"Đưa ra con số này chúng tôi đã dự phòng cho các tình huống giảm cầu do chống lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính, người tiêu dùng có thể sẽ tính lại mức chi tiêu, họ sẽ cân nhắc chọn lựa sản phẩm nhưng đối với cá ngừ cũng sẽ ổn chứ không có vấn đề gì, nên mục tiêu một tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được.
Riêng đối với vấn đề tỷ giá giữa đồng Euro và đồng USD hiện nay, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu bằng đồng USD, bây giờ đồng Euro rẻ đi nên có thể gặp một số trở ngại nhưng ngắn hạn thôi, vì tôi nghĩ rằng chính phủ của các nước châu Âu sẽ quyết tâm chống lạm phát có thể có những tác động", Tổng thư ký VASEP nói.
Trái chiều thị trường Mỹ và EU
Các thị trường chính xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm nay đều tăng trưởng tốt như Mỹ và khối thị trường CPTPP, trừ EU, Israel và Ai Cập.
Tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 6/2022, xuất khẩu cá ngừ sang đây đạt hơn 300 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương thấp, đã ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của Mỹ. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tăng lên. Tất cả những điều này đã thúc đẩy nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU liên tục sụt giảm trong quý 2/2022. Riêng tháng 6/2022, xuất khẩu giảm 25% so với tháng 6/2021, đạt gần 9,5 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm lên 77 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo do Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên minh Châu Âu (EU) công bố ngày 01/7, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 8,6% trong tháng 6. Trong đó, nhóm mặt hàng lương thực tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong khu vực đồng Euro.
Bất chấp lạm phát kỷ lục, Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn chưa thể tăng lãi suất nhanh như của Mỹ, và chính sự chậm trễ này đã khiến cho đồng Euro mất giá so với đồng đô la Mỹ.
Đồng đô la mạnh có thể khiến cho các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào EU từ các nước ngoài khối như Việt Nam, Philippines, Ecuador trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tới nhập khẩu cá ngừ của các nước EU.
Khối thị trường CPTPP tiếp tục khả quan
Tính đến hết tháng 6/2022, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ (sau Mỹ và EU). Nhu cầu nhập khẩu cá ngừ từ các nước CPTPP đạt 68 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng 68%, sang Nhật Bản tăng 26% và sang Mexico tăng 30%.
Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, xuất khẩu cá ngừ sang Arập Xê Út, Thái Lan, Philippines hay Nga vẫn tăng trưởng tốt.
Đầu năm nay, do giá dầu tăng nên có từ 40-45% tàu cá phải nằm bờ. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cá ngừ nguyên liệu cho các nhà máy, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ trong nước.
Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam, khiến cho các lô hàng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khác.