Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá cà phê trong nước ở mức thấp. Chốt phiên giao dịch ngày 19/6, giá cà phê tại thị trường trong nước so với cùng kỳ tháng 5/2018 giảm từ 1,4 – 2,8%. Hiện giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ở mức thấp nhất 34.800 VNĐ/kg – cao nhất 35.800 VNĐ/kg (tỉnh Kon Tum).
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 6/2018 đạt xấp xỉ 82 nghìn tấn, trị giá 156,9 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 18,2% về trị giá so với cùng kỳ tháng 5/2018, tăng 37,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2018, xuất khẩu cà phê đạt 959,5 nghìn tấn, trị giá 1,852 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Về diễn biến giá: Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong nửa đầu tháng 6/2018 đạt 1.914 USD/tấn, giảm 3,0% so với nửa đầu tháng 5/2018 và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.931 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017.
USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 600.000 bao, lên mức cao kỷ lục 29,9 triệu bao nhờ thời tiết mát mẻ hơn và mưa trái mùa hỗ trợ sinh trưởng cây cà phê ngay trước giai đoạn ra hoa kết quả. Diện tích cà phê của Việt Nam năm 2018 dự báo tăng nhẹ so với năm 2017, với gần 95% diện tích vẫn dành cho cà phê Robusta.
Xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và tồn kho cuối kỳ của cà phê Việt Nam dự báo tăng nhờ nguồn cung tăng.
Theo báo cáo công bố tháng 6/2018 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 dự báo đạt mức cao kỷ lục 171,2 triệu bao (loại 60kg). Trong đó, sản lượng cà phê của Braxin dự báo đạt 60,2 triệu bao và Việt Nam dự báo đạt 29,9 triệu bao. USDA dự báo tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2018/19 cũng cao kỷ lục với 163,2 triệu bao.
Về nhập khẩu, nhập khẩu cà phê của EU dự báo tăng 1 triệu bao lên 48 triệu bao và chiếm hơn 40% tổng nhập khẩu cà phê thế giới. Tồn kho cà phê cuối kỳ tại EU dự báo tăng 800.000 bao lên 11,9 triệu bao; Nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ dự báo tăng 2,4 triệu bao, lên 27 triệu bao trong niên vụ 2018/19.
Tồn kho cà phê cuối kỳ tại Mỹ dự báo tăng 600.000 bao lên 7,2 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2018/19 toàn cầu được dự đoán tăng sau 3 năm suy giảm liên tiếp. Thông thường, vụ cà phê của Braxin bắt đầu từ tháng 7 và Việt Nam từ tháng 10 hàng năm.
Trong một diễn biến khác, số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, nhập khẩu cà phê của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 3.949 tấn, trị giá 11,53 triệu USD, tăng 15% về lượng, nhưng giảm 1% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2017. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê chính cho Thái Lan với thị phần chiếm 77,9% trong tổng lượng nhập khẩu của nước này trong 4 tháng đầu năm 2018, tăng so với thị phần 69,0% trong 4 tháng đầu năm 2017 và ghi nhận tốc độ nhập khẩu tăng 29,9%.