Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 10 ngày giữa tháng 9/2018, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp. Ngày 20/9/2018, cà phê Robusta thấp nhất ở mức 32.500 đồng/kg tại huyện Di Linh và Lâm Hà (Lâm Đồng); mức cao nhất đạt 32.600 đồng/kg tại huyện Cư M’gar và Ea H’leo tỉnh Đắk Lắk. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 33.600 đồng/kg, giảm 0,9% so với ngày 10/9/2018 và giảm 6,4% so với ngày 20/8/2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 9/2018 đạt 59,3 nghìn tấn, trị giá 102,47 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 21,3% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2018, nhưng tăng 37% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,385 triệu tấn, trị giá 2,64 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng, nhưng giảm 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 15 ngày đầu tháng 9/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.728 USD/ tấn, giảm 5,2% so với 15 ngày đầu tháng 8/2018 và giảm 24,8% so với 15 ngày đầu tháng 9/2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.906 USD/ tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu cà phê của nước này 7 tháng năm 2018 đạt 941 nghìn tấn, trị giá 3,42 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 5,3% về trị giá so với 7 tháng năm 2017.
Riêng với thị trường Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu cà phê của Mỹ từ 3 nguồn cung lớn nhất gồm Brasil, Colombia và Việt Nam giảm lần lượt 8,0%, 6,5% và 6,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2017.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ từ Việt Nam 7 tháng năm 2018 đạt 1,9 USD/kg, thấp hơn nhiều so với giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ là 3,6 USD/kg và so với các nước khác như Brasil là 2,8 USD/kg; Colombia là 3,5 USD/kg; Guatemala là 4,0 USD/kg. Nguyên nhân chính là do trong cơ cấu chủng loại cà phê của Việt Nam cung cấp cho Mỹ thì cà phê Robusta chiếm tỷ trọng 93% trong tổng lượng, phần còn lại là cà phê Arabica và cà phê chế biến. So với các nước cung cấp cà phê hàng đầu thế giới như Brasil và Colombia, ngành cà phê của Việt Nam lợi thế cạnh tranh thấp hơn.
Thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ ưa chuộng cà phê Arabica chất lượng cao, trong khi Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta. Hiện tại quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao của Việt Nam thấp nên chưa tạo được thương hiệu cũng như sự ảnh hưởng tại Mỹ. Điều này gây bất lợi lên giá thành sản phẩm cũng như lợi thế cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại đất nước này.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu nhận xét, trong tương lai với sự tham gia của nhiều thương hiệu cà phê đặc biệt, thị trường sẽ phân chia lại và định hình rõ ràng hơn. Nếu có sự hợp tác với các thương hiệu cà phê uy tín tại Mỹ, cà phê chất lượng cao của Việt Nam sẽ có thể thâm nhập sâu hơn vào nước tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu này