Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Công) đạt 101,1 triệu USD tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường này năm nay tiếp tục tăng trưởng dương do nhu cầu nhập khẩu khá tốt, giá đa dạng theo nhiều phân khúc thị trường và loại sản phẩm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chính là việc bất ổn về nhu cầu và phương thức thanh toán. Hơn nữa, trong thời gian qua, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch đã gây ra một số vấn đề đáng lo ngại. Giá xuất khẩu bằng đường chính ngạch cao hơn 1 USD/kg so với các sản phẩm tiểu ngạch.
Do đó, VASEP đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, Bộ nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra sang thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ - EU, tính đến hết tháng 3/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt gần 75 triệu USD chiếm 17%, tăng 22,7%; xuất khẩu sang EU tiếp tục giảm 17,7%, đạt 41 triệu USD.
Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục "cuộc chiến cá thịt trắng" tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU. Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN cũng tăng trưởng mạnh trong quý I đạt 46,7 triệu USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ba thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất là Thái Lan, Singapore và Philippines lần lượt 97,9%; 26,8% và 32,7% so với cùng kỳ năm 2017.
VASEP cho rằng nếu trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục gặp khó khăn do mức thuế chống bán cao, nhiều khả năng ASEAN sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam.