Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2017, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng chậm chạp với giá trị đạt 1,62 tỷ USD tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU vẫn chìm dưới mức tăng trưởng âm, các DN chuyển hướng phát triển sang Trung Quốc - Hồng Kông và một số thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Mexico, Ảrập Xêut.
Đối với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, 11 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 373,3 triệu USD tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 23% tổng xuất khẩu cá tra. Cho dù 3 tháng trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã dần hạ nhiệt nhưng đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay.
Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu thủy sản khổng lồ trên thế giới nhưng cũng là thị trường có sức tiêu thụ mạnh mẽ không kém. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Một thị trường quan trọng khác nữa là thị trường Mỹ. Đây vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp cá tra nhưng năm 2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm trong nhiều tháng do hàng rào kỹ thuật và thương mại. Tính đến hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 319,7 triệu USD giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những năm gần đây, kết quả thuế CBPG của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao, mới nhất kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 cao gấp 3 lần kết quả thuế của đợt xem xét hành chính lần thứ 12 và thậm chí tương đương mức thuế xuất toàn quốc, khiến số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường này ngày càng giảm. Với 62 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ nhưng thực tế chưa tới 10 DN tham gia xuất khẩu và chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu với sản lượng đáng kể.
Nhìn chung, năm 2017 là năm với nhiều rào cản tại các thị trường lớn đối với cá tra Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhỏ phải sản xuất và xuất khẩu cầm chừng hoặc thua lỗ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các sản phẩm phù hợp với từng thị trường và yêu cầu của nhà nhập khẩu.