Trong khi xuất khẩu (XK) cá tra sang Mỹ và EU gặp khó do các hàng rào thuế quan và kỹ thuật thì Trung Quốc lại vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là XK qua đường tiểu ngạch.
Thị trường lớn cuối cùng
Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK cá tra trong tháng 1-2018 đạt hơn 172,5 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu dẫn đầu, chiếm 23,9% kim ngạch XK (hơn 41,2 triệu USD), tăng 132% so với cùng kỳ và chủ yếu XK chính ngạch chiếm 56%, XK qua biên giới (tiểu ngạch) chiếm 44%.
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc cần lấy chất lượng làm hàng đầu. Trong ảnh: Nông dân miền Tây vui mừng khi giá cá hiện nay tăng cao Ảnh: THỐT NỐT
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định: "Sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng do khẩu vị món ăn đa dạng. Đặc biệt, họ tin tưởng sản phẩm cá tra của chúng ta XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU đã đạt chứng nhận chất lượng về yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm".
Tuy vậy, theo Tổng cục Thủy sản, dù Trung Quốc hiện nay giữ vị trí số 1 nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhưng là thị trường không ổn định. "Cho dù đây là sự lựa chọn phù hợp ở thời điểm hiện tại để cân đối cung - cầu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu cá tra của Trung Quốc ngày càng tăng nhưng việc lệ thuộc vào thị trường này cũng như thương mại biên mậu sẽ kéo theo nhiều rủi ro cho DN chúng ta" - ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận xét.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn cuối cùng của XK cá tra Việt Nam, nếu chúng ta không có chiến lược dài hạn và quản lý chặt chẽ thì sẽ rất dễ đánh mất. Đặc biệt, trong bối cảnh khan hiếm nguyên liệu như hiện nay, sẽ diễn ra việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu XK sang thị trường giá trị cao như Mỹ và EU và tiểu thương gom hàng để mua bán qua mậu biên, bỏ qua các vấn đề về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. "Đừng nghĩ thị trường Trung Quốc không quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là thị trường nhạy cảm nên cần lấy chất lượng làm hàng đầu khi XK cá tra vào Trung Quốc như đã áp dụng cho thị trường Mỹ và EU" - bà Tường Lan phân tích.
Còn ông Lê Chí Bình, Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, cho biết Trung Quốc đang là thị trường đầy tiềm năng với thị phần lên đến hơn 40%. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường còn lắm rủi ro vì các bên chưa có hiệp định giao thương một cách chặt chẽ. "Phải nhìn nhận rằng thị trường Trung Quốc đã giúp người nuôi có lãi cao, DN chế biến cá tra XK có nơi tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn nhưng chúng ta không nên tập trung quá vào thị trường này. Hơn nữa, việc XK sang Trung Quốc vẫn chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên các DN trong nước phải đề nghị phía đối tác thanh toán tiền một cách sòng phẳng theo kiểu "tiền trao cháo múc" để tránh bị "hành" hoặc mất tiền oan ức" - ông Bình nói.
Công bằng cho các bên
Trong khi đó, Mỹ là thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam nhưng đang trong tình trạng "1 cổ 2 tròng" gồm: thuế chống bán phá giá (CBPG) và chương trình thanh tra cá da trơn. Về thuế CBPG, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp CBPG cá tra - basa của Việt Nam (giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016) áp dụng mức thuế CBPG từ 2,39 đến 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và tác động tiêu cực đến XK cá tra đến Mỹ.
Bộ Công Thương cho rằng mức thuế CBPG với cá tra - basa mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với VASEP, các DN XK của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Mỹ. Theo đó, đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan. Cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thảo luận tất cả các phương án xử lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các DN Việt Nam.
Ngoài thuế CBPG, ngành cá tra đang chuẩn bị đón đoàn thanh tra Mỹ kiểm tra thực tế tại Việt Nam để đánh giá và công nhận tương đương sau khi xem xét hồ sơ.
Dù thị trường Mỹ đang rất khó khăn nhưng các DN đang XK cá tra đi Mỹ đều khẳng định không bỏ thị trường này. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (TP Cần Thơ), cho biết XK cá tra sang Mỹ có giá khá cao, trên 4 USD/kg, đây là thị trường dẫn dắt các thị trường khác. "Với Chương trình giám sát cá da trơn, nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá việc nuôi, sản xuất cá tra của Việt Nam tương đồng với nước họ thì hình ảnh cá tra của chúng ta sẽ được nâng lên tầm cao mới. Những thị trường từng bôi nhọ hình ảnh cá tra như Tây Ban Nha sẽ có cái nhìn khác hơn về con cá da trơn của Việt Nam" - ông Trường kỳ vọng.
Bên cạnh đó, theo bà Tường Lan, một trong những nhiệm vụ của ngành cá tra trong năm nay là cải thiện hình ảnh cá tra tại thị trường EU.
Xem xét khiếu kiện Mỹ
Chiều 20-3, VASEP đã có thông cáo báo chí chính thức phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các DN Việt Nam. Theo VASEP, thực tế chứng minh các DN Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ. Trái lại, đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ, đồng thời là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.