Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 7/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh giảm theo xu hướng của thị trường thế giới.
Tháng 7/2018 các đồn điền cao su tại Bình Phước bắt đầu khai thác mủ trở lại sau một thời gian gián đoạn. Mùa khai thác mủ cao su năm nay mới tiến hành được hơn một tháng, nhưng giá liên tục giảm.
Trong tháng 7/2018, xuất khẩu cao su ước đạt 140 nghìn tấn, trị giá 188 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 6/2018, nhưng giảm 7% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 705 nghìn tấn, trị giá 1 tỷ USD, tăng 11,3% về lượng, nhưng giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su chính tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đứng đầu với khối lượng đạt 287,8 nghìn tấn, trị giá 414,8 triệu USD, tăng 14,9% về lượng, nhưng giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 51% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
So với cùng kỳ năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 lượng cao su SVR 10 xuất khẩu tăng 38,8%, SVR 3L tăng 7,4%, RSS 3 tăng 56,7%, SVR CV60 tăng 9,4%... Trong khi lượng cao su SVR CV50 xuất khẩu giảm 8,9%, cao su RSS1 giảm 23,7%, cao su hỗn hợp giảm 27,4%…
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 172,3% về lượng và tăng 130% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 31,3 nghìn tấn, trị giá 50 triệu USD. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ tăng từ 3,5% trong 5 tháng đầu năm 2017 lên 7% trong 5 tháng đầu năm 2018.
Trên thị trường thế giới, tháng 7/2018, giá cao su trên thị trường thế giới giảm do tồn kho tại các nước tiêu thụ chính ở mức cao; lo ngại căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc và đồng Yên mạnh lên do triển vọng điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, gây áp lực cho giá cao su.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 6 tháng đầu năm 2018, nhu cầu toàn cầu đối với cao su thiên nhiên tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 6,96 triệu tấn. Trong cùng thời gian này, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017, lên 6,21 triệu tấn. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, thâm hụt cung - cầu cao su tự nhiên thế giới là 746.000 tấn, giúp cải thiện tình trạng dư cung trên thị trường. ANRPC cũng điều chỉnh dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2018 sẽ tăng 5,2%, lên 14,04 triệu tấn và nhu cầu thế giới sẽ tăng 5,7%, lên 14,13 triệu tấn.